Mỹ Xuyên và Phước Tích là hai làng nằm liền kề nhau. Từ xa xưa hai làng này thuộc đất chiêm thành. Khi người Việt vào lập nghiệp nơi đây từ thế kỷ XIII – XIV, Mỹ Xuyên – Phước Tích vốn là một đơn vị hành chính. Dần dần làn sóng di dân ngày một tăng cường, làng phân chia với các tên gọi khác nhau qua các thời kỳ lịch sử để rồi có tên làng Mỹ Xuyên, Phước Tích như ngày nay.
Làng Mỹ Xuyên là ngôi làng cổ chuyên làm gốm và chạm khắc gỗ. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã khẳng định nơi đây hàng trăm năm trước vốn là một làng sản xuất gốm sành lớn nhất ở Trung bộ, chuyên sản xuất các loại đồ sành phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân xứ Đàng trong. Đặc biệt, hàng gốm Mỹ Xuyên cũng góp phần vào các mặt hàng xuất khẩu qua Cảng cổ Thanh Hà ra một số nước trong khu vực. Gốm Mỹ Xuyên là những chiếc bình có kiểu hình giống trái cau, đáy bằng, thân tròn, thường chia thành hai phần trên và dưới, đây là một trong những loại sản phẩm rất đặc trưng của lò Mỹ Xuyên. Gốm Mỹ Xuyên thường là những loại đồ dùng phù hợp với cuộc sống thường nhật của đông đảo nhân dân lao động.
Làng Phước Tích được biết đến với sản phẩm gốm cổ truyền vốn từ lâu đã trở thành thương hiệu. Trước đây, gốm Phước Tích còn trở thành một sản phẩm đặc biệt cống nạp cho các triều đại nhà Nguyễn để nấu cơm cho vua ăn. Ngày nay, trải qua nhiều thời kỳ, sản phẩm gốm Phước Tích đã có mặt trong cuộc sống của người dân quê hương cũng như ở khắp các vùng miền đất Thuận Hóa. Sản phẩm chủ yếu là các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân như: Om, vại, bình dùng để chứa nước… Gốm Phước Tích có độ nung cứng, tính chịu nhiệt cao và đặc biệt là ít thẩm thấu nên không cần tráng men hay sơn màu thì gốm vẫn có một màu sắc đặc trưng rất đẹp (gốm màu da lươn), tạo nên sự khác biệt so với các làng gốm khác.
Với 156 hiện vật bình vôi được làm từ chất liệu sành và gốm men (bình vôi có quai: 57 hiện vật. bình vôi không có quai: 92 hiện vật, 07 hiện vật là sản phẩm phế thải của các lò gốm Mỹ Xuyên và Phước Tích) đây là sưu tập thứ năm của Bảo tàng. Bình vôi phong phú về số lượng và loại hình, là minh chứng khẳng định cho sự phát triển các làng nghề truyền thống của vùng đất Thừa Thiên Huế. Những chiếc bình vôi thường gắn liền với tục trầu cau - đây được coi như một lễ nghi giao tiếp của nhiều cư dân trồng lúa nước xưa ở vùng Đông Nam Á. Tục ăn trầu của người Việt không biết khởi nguồn tự bao giờ, chỉ biết rằng đến nay tập tục đó vẫn được xem như là một giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống. Với người Việt, trầu cau vừa biểu hiện của phong cách Việt, vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.