Thừa Thiên Huế - vùng đất còn chứa đựng nhiều di chỉ khảo cổ học từ thời tiền sơ sử đến thời lịch sử trong lòng đất. Thời kỳ sơ sử ở Thừa Thiên Huế được biết đến với những phát hiện và nghiên cứu về hệ thống các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, trong đó phải kể đến hai di chỉ Cồn Ràng và Cồn Dài đã được các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật và xác minh được sự tồn tại và mang những yếu tố đặc trưng riêng. Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về nền văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Óc Eo tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam thời kỳ đồ sắt (cách ngày nay từ 2000 – 2500 năm).
Một trong những thành tựu của văn hóa Sa Huỳnh là kỹ nghệ chế tạo đồ trang sức, mỗi món trang sức mang nhiều ý nghĩa: Làm đẹp cho chủ nhân, thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội theo tập tục, tín ngưỡng của người đương thời. Những chuỗi hạt, vòng tay, khuyên tai, nhẫn… được chế tác bằng nhiều nguyên liệu như đá mã não, nephrit, phtanite, pha lê, vàng, thủy tinh màu làm từ cát và nhựa các loại cây. Với tổng số 759 hiện vật tìm thấy qua các đợt thám sát, khai quật khảo cổ học tại hai di chỉ Cồn Ràng và Cồn Dài, có thể nói đây là sưu tập có số lượng hiện vật lớn, phong phú, đa dạng về loại hình và kiểu dáng; là bộ sưu tập thứ hai của Bảo tàng. Di chỉ Cồn Ràng: 693 hiện vật (Chất liệu đá: 252 hiện vật, thủy tinh: 316 hiện vật, đá và thủy tinh: 125 hiện vật); di chỉ Cồn Dài: 66 hiện vật (Chất liệu đá: 13 hiện vật, thủy tinh: 37 hiện vật, gốm: 16 hiện vật).
Nét nổi bật trong những món trang sức của người Sa Huỳnh là khuyên tai ba mấu dành cho phụ nữ và khuyên tai hai đầu thú của nam giới. Nếu khuyên tai ba mấu dịu dàng, tinh tế và khá duyên dáng thì khuyên tai hai đầu thú lại thể hiện chất dũng mảnh, kiêu hãnh và cường tráng của nam giới. Qua những đồ trang sức chủ yếu được tìm thấy trong những mộ chum của người Sa Huỳnh cho thấy sự sáng tạo, trình độ thẩm mỹ và đôi tay tài hoa của những người thợ thủ công mỹ nghệ từ thời Sa Huỳnh. Vì thế họ đã kỳ công tạo ra những món đồ trang sức tinh xảo và mang tính nghệ thuật cao. Điều thú vị là những món trang sức hơn 2000 năm tuổi ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị bởi kỹ thuật chế tác của cư dân Sa Huỳnh và còn là thứ trang sức hợp thời của các dân tộc thiểu số cư trú trên dãy Trường Sơn như Cơ Tu, Tà Ôi, Bru – Vân Kiều… Đặc biệt với người Cơ Tu thì mã não là thứ trang sức không thể thiếu và quý giá nhất.