Phương thức mai táng (táng thức) và đi liền với nó là nghi lễ tang ma (táng tục) là một trong những đặc trưng của văn hóa tộc người. Táng thức và táng tục là hiện tượng văn hóa phản ánh khá rõ những quan niệm tín ngưỡng và sau này là ý niệm tôn giáo của con người, táng thức nào cũng hàm chứa tín ngưỡng về cái chết và sự sống. Về nhân sinh quan, người Việt Nam cũng như các dân tộc Đông Nam Á quan niệm rằng con người có hai phần: linh hồn và thể xác.
Người sống có đủ hai phần: linh hồn và thể xác. Người chết: linh hồn đã lìa khỏi thể xác. Sau khi con người chết, các linh hồn đến thế giới người chết là một bản – làng bị chia cắt với thế giới người sống bởi sông sâu, biển rộng hoặc lên các tầng trời, hay xuống đất; nói cách khác là thế giới bên kia có thể giống hoặc khác thế giới người sống, nhưng cơ bản là một thế giới được tưởng tượng cao hơn dựa trên thế giới thực. Việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày những hiện vật liên quan đến các hình thức mai táng giúp chúng ta có thể biết và hiểu được nhiều điều về cuộc sống của người xưa.
Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã chú trọng đến công tác khai quật, nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản các hiện vật liên quan đến hình thức mai táng của người xưa mà tiêu biểu là hiện vật mộ táng với nhiều loại hình như: mộ thuyền (quan tài bằng thân cây khoét rỗng), mộ chum, nắp đậy mộ chum, lọ, vại đựng than tro hỏa táng, mộ vò…
Với 17 hiện vật còn tương đối nguyên vẹn và đã được phục chế, có tình trạng bảo quản tốt chúng tôi đưa vào sưu tập “Mộ táng qua các đợt khai quật khảo cổ học ở Thừa Thiên Huế”. Đây là bộ sưu tập đầu tiên của Bảo tàng; gồm 02 mộ thuyền (quan tài bằng thân cây khoét rỗng), 07 mộ chum, 05 nắp đậy mộ chum, 01 nắp vung dùng để đậy lên miệng lọ đựng hài cốt đã hỏa táng, 01 lọ, 01 vại đựng than tro hỏa táng. Đây là những hiện vật tiêu biểu cho các hình thức mai táng của người xưa ở Thừa Thiên Huế, là một trong những loại hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và những hiện vật liên quan đến văn hóa Đông Sơn.