Trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hình ảnh những người con kiên trung, anh dũng trong chiến đấu luôn khắc sâu trong tâm hồn chúng ta với một niềm cảm phục và biết ơn sâu sắc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thừa Thiên Huế, toàn quân, toàn dân đấu tranh quyết liệt với địch trên cả ba vùng. Cán bộ đảng viên ở địa bàn các xã, huyện kiên quyết bám dân, bám địa bàn xây dựng cơ sở. Các mẹ, các chị không quản ngại hy sinh gian khổ đào hầm bí mật, bám trụ quê hương, nuôi dưỡng, che dấu cán bộ cách mạng hoạt động. Nhân dân Phong Điền, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà thực hiện “một tấc không đi, một ly không rời” bám làng chiến đấu. Chính trong những căn hầm bí mật đó, các mẹ, các chị đã dùng bi đông, ăng gô đựng nước, đựng cơm phục vụ cho các chiến sĩ cách mạng, dân quân du kích, cán bộ nằm vùng. Ăng gô còn sử dụng nấu kim tiêm cứu chữa cho thương binh.
Sưu tập bi đông – ăng gô là sưu tập thứ mười một của Bảo tàng, gồm 100 hiện vật (69 hiện vật chất liệu kim loại, 31 hiện vật chất liệu nhựa, trong đó bi đông: 75 hiện vật, ăng gô: 14 hiện vật, loong gui gô: 11 hiện vật). Các hiện vật trong sưu tập có thể là đồ dùng sinh hoạt, là chiến lợi phẩm ta thu được trong các trận đánh. Ngoài chức năng là đồ dùng sinh hoạt, bi đông, ăng gô, loong gui gô còn dùng để đựng tài liệu, đựng gạo tiếp tế cho các chiến sĩ nằm vùng bám dân bám đất để hoạt động cách mạng. Những chiếc bi đông, ăng gô tuy nhỏ bé nhưng thể hiện tình quân dân, tình thương yêu cao cả của những người mẹ, người chị giành cho các chiến sĩ, các đồng chí thương binh.
Đây là những hiện vật gốc minh chứng quan trọng về một giai đoạn lịch sử, phản ánh một cách chân thực về không gian, thời gian lịch sử, đặc biệt là tính sáng tạo của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến thông qua những hiện vật gắn liền với cuộc đời của các cán bộ hoạt động cách mạng và các chiến sĩ trên mặt trận chiến đấu; thể hiện tấm lòng cao cả của nhân dân Thừa Thiên Huế đối với cách mạng; đó là tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tình cảm tương thân tương ái, tình đoàn kết là sức mạnh trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.