Sưu tập tiền
Lĩnh vực tiền tệ ở các nước từ lâu đã có ngành nghiên cứu riêng gọi là “Tiền cổ học”; ở Hoa Kỳ năm 1891 đã thành lập Hội tiền tệ học Hoa Kỳ; ở Trung Quốc các tỉnh đều có Hội tiền tệ học; đặc biệt ở Nam Định có một Bảo tàng chuyên về tiền tệ Việt Nam; ở Pháp có Bảo tàng về Tiền cổ Việt Nam đặt trong Thư viện Quốc gia ở Pari. Việc nghiên cứu tiền tệ Việt Nam chủ yếu thông qua tài liệu nghiên cứu và các sưu tập tiền có ở Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ…

Vào thời Gia Long, tác giả Phan Huy Chú trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” có viết về cách dùng tiền; năm 1992, tác giả Đỗ Văn Ninh xuất bản cuốn “Tiền cổ Việt Nam” đã đề cập đến nhiều loại tiền; năm 2005, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giới thiệu các loại tiền kim loại lưu hành ở nước ta từ khi xuất hiện đồng tiền đầu tiên vào triều Đinh (năm 970) cho đến năm 2003 trong cuốn “Tiền kim loại Việt Nam”.

Thông qua việc nghiên cứu tiền tệ chúng ta có thể tìm hiểu nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ… và là con đường tìm hiểu về lịch sử của mỗi quốc gia. Bởi lẽ chính trị thay đổi thì tiền tệ cũng thay đổi, mỗi một vị vua mới lên ngôi, đặt một niên hiệu mới, thường đúc ra tiền có niên hiệu mới. Giai đoạn lịch sử có biến cố trọng đại cũng có thể đúc tiền mới có niên hiệu phù hợp với biến cố lịch sử. Văn hóa nghệ thuật thời đại có ảnh hưởng rất lớn đến tiền tệ, đó là vấn đề thư pháp và hình thức trang trí trên đồng tiền, nền kinh tế thay đổi thì tiền tệ cũng thay đổi theo.

Sưu tập tiền hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế là bộ sưu tập thứ sáu của Bảo tàng, có số lượng tương đối lớn, gồm 934 hiện vật (641 tiền kim loại và 293 tiền giấy). Sưu tập giới thiệu các loại tiền sắp xếp theo trình tự thời gian phát triển của tiền tệ Việt Nam. Tiền “Thái Bình Hưng Bảo” được đúc và phát hành dưới thời Đinh Tiên Hoàng (970 – 979) là đồng tiền đầu tiên của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập, có niên đại sớm nhất. Tiền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976 – 1986) có niên đại muộn nhất trong sưu tập. Kể từ năm 1976 đến năm 1986, Việt Nam đã trải qua hai lần đổi tiền vào các năm 1980, 1985 (không kể các lần phát hành bổ sung). Các lần đổi tiền này đều chỉ phát hành tiền giấy, không phát hành tiền kim loại.

Những đồng tiền này được phát hành và lưu thông qua các giai đoạn của lịch sử sẽ chứa đựng những thông tin về sự phát triển của từng thời kỳ, phản ánh đời sống xã hội lúc bấy giờ. Bộ sưu tập cũng đánh dấu một chặng đường phát triển về giá trị kinh tế của xã hội Việt Nam, là một trong những sưu tập có giá trị đặc biệt quý, bởi tiền là một loại hàng hóa đặc biệt.
 Bản in]

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác