Câu chuyện đằng sau những kỷ vật
Cập nhật:28/08/2017 6:12:01 CH
Vào năm 1992, trong khi đào móng để xây Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Thừa thiên Huế tại số 18A đường Hà Nội, thành phố Huế (khu vực nhà của Sogny) người ta phát hiện 17 bộ hài cốt và nhiều kỷ vật.Dựa vào những kỷ vật còn sót lại, các cựu chiến binh từng tham gia trận 50 ngày đêm đánh Pháp ở Huế như các ông: Phan Đàn, Vĩnh Mẫn, Mai Duy Hồ… khẳng định đó là hài cốt của cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đội 9 Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa hy sinh vào đầu năm 1947.
Những kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử
Những kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử

17 bộ hài cốt đó là 17 cảm tử quân hy sinh khi cố thủ ở nhà tên mật thám Sogny (nay ở đường Hà Nội). Trong đó có đại đội trưởng Lê Ngọc Hoàng, trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Giao, chính trị viên Trung đội Vĩnh Tập và trung đội phó Phùng Huấn.


Đầu tháng giêng năm 1947, sau khi tấn công vào nhà hàng Chaffanjon, giết được một số địch, khi rút qua gần nhà mật thám Sogny thì bị địch chặn đánh.


Kể về sự kiện này, nhà văn Phùng Quán cho biết:Trận “cảm tử” vào nhà hàng Chaffanjon không có kết quả vì lưới lửa phòng thủ của giặc quá dày đặc. 3 giờ sáng, trung đội anh Giao vừa rút đến ngôi lầu cạnh nhà tên trùm mật thám Sogny thì bị bọn địch vây chặt, trong khi các đơn vị khác quanh khu vực đã rút hết. Trời hửng sáng, tiếng súng vang lên dồn dập dưới tầng 1(ngôi lầu 2 tầng). 10 giờ sáng, tiếng súng bắt đầu vang dội ở tầng trên ngôi lầu. Như thế, hẳn là bọn địch đã chiếm được tầng dưới, các chiến sĩ ta phải rút lên tầng trên cố thủ. Đạn súng máy các cỡ, rồi đạn các loại súng cầu vồng xối xả nhắm vào tầng lầu. Đến 3 giờ rưỡi chiều, tiếng súng chống trả vẫn tiếp tục vang lên trên tầng lầu. Như vậy là các anh còn đứng vững. Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu truyền lệnh khắp mặt trận: Các đơn vị sẵn sàng xuất kích lúc mặt trời lặn. Nhưng bọn giặc dã man đã đưa hai xe cứu hỏa chở đầy xăng phun như tắm cả ngôi lầu, rồi tiếng loa cực lớn vang lên: “Chúng mày hãy hàng đi! Ném tất cả vũ khí xuống sân!. Không hàng, tất cả sẽ bị thiêu ra tro”. Thay cho câu trả lời là tiếng súng đồng loạt vang lên từ tầng lầu và sau những tràng đạn lửa của địch bắn vào, ngọn lửa xăng vàng khè bùng lên, ngày một lan rộng, bốc cao phủ kín ngôi nhà. Rồi bất ngờ, cả ngôi lầu lửa bỗng sụm xuống trong tiếng nổ rung chuyển cả mặt trận. Thế là các anh đã cho nổ hai khối mìn mang theo chưa kịp dùng khi tấn công nhà hàng Chaffanjon, biến vị trí cố thủ thành nấm huyệt chôn chung...


Là liên lạc viên của Mặt trận Khu B nên ông Vĩnh Mẫn (em trai chính trị viên Vĩnh Tập) biết rất rõ về vóc dáng to, cao và hàm răng đều của trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Giao (quê ở Hải Dương vào Huế mở tiệm khắc dấu trước cửa Thượng Tứ) cũng như dáng người thấp, đầu to của anh ruột của mình là chính trị viên Trung đội Vĩnh Tập (con quan đại thần Bửu Trác, thống chế nhất phẩm triều đình Khải Định). Ông Vĩnh Mẫn bùi ngùi nhớ lại:“Lúc đó, anh Giao thường mang khẩu trung liên Steen 1 bảng còn anh trai tôi mang khẩu Rulo hiệu Saint Étienne của Pháp. Nhìn dáng to cao nằm chồng lên người khác tôi biết ngay đó là anh Giao, bởi trước Cách mạng Tháng 8/1945 anh Giao và anh tôi rất thân nhau, vì họ là đồng chí”. 


Nhà văn Phùng Quán kết luận: “Một tập thể anh hùng hào kiệt thà bị thiêu cháy, quyết không hàng giặc là có thật, người chiến sĩ Cộng sản từ bỏ giai cấp mình (Vĩnh Tập), xả thân vì lý tưởng thế giới Đại đồng Cộng sản là có thật!...
...Với riêng tôi, trong suốt cuộc đời làm văn của mình, có vài ba đề tài ám ảnh tôi không phút nào nguôi. Nó giống món nợ “bát cơm phiếu mẫu”, không trả được, chết không nhắm mắt... Câu chuyện về trung đội cảm tử quân anh Giao, về bác Phùng Huấn... bị giặc thiêu cháy thành tro bụi trong “Huyệt lửa chôn chung”, là một đề tài như vậy đối với đời văn của tôi...”.


Hiện nay, những kỷ vật của 17 chiến sĩ thuộc Trung đội 9 Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh thừa thiên Huế nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử của những kỷ vật qua đó giúp chúng ta thêm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông ta, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu quê hương, đất nước sẵn sàng tiến lên vì một đất nước văn minh, giàu mạnh xứng đáng là con dân của nước Việt. 

Mai An
 Bản in]

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác