Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày19/12/1946với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Đúng 2 giờ 30 phút ngày 20/12/1946 Huế nổ súng mở đầu cho cuộc chiến anh dũng, hào hùng 50 ngày đêm của quân và dân thừa thiên Huế bao vây, tiến đánh quân Pháp.
Ngày 20/12/1946, theo lệnh của Chủ tịch UBHC Kháng chiến Trung bộ Trần Hữu Dực và Tham mưu trưởng Phân khu Bình Trị Thiên Hoàng Điền, từ Cửa Tùng vào Huế. Ông Trần Hữu Dực đã chỉ định ông Lê Thiên Hương chỉ huy đội quân cảm tử gồm những binh sĩ Nhật theo Việt Minh để đánh chiếm Khách sạn Morin. Kế hoạch được vạch ra như sau: 23 giờ ngày 21/12, sau khi đội cảm tử quân người Nhật áp sát bờ Nam sông Hương, từ phía Gia Hội, ông Nguyễn Sơn sẽ bắn 15 phát pháo 75 ly, sau đó từ thượng thành ở khu vực Thượng Tứ ông Lê Trung Lý sẽ dùng súng thần công của triều Nguyễn bắn tiếp10 quả bom tự tạo. Bom, pháo dội xong, đội cảm tử và các đơn vị phối hợp mới xung phong đánh chiếm Morin.
Nhận kế hoạch xong, đúng 15 giờ, họ xuất phát. 20 cảm tử quân người Nhật cúi đầu chào từ biệt những người lãnh đạo Việt Minh. Đúng như kế hoạch, đêm đó sau khi những loạt bắn yểm trợ của pháo binh, từ gầm cầu Trường Tiền, đội cảm tử quân người Nhật xuất kích đánh vào cửa chính của khách sạn Morin. Quân Pháp từ trong bắn ra và khẩu đại liên của Pháp đặt ở phòng thông tin gần bờ sông bắn vào. Để kiềm chế hỏa lực của đối phương, một cảm tử quân quay nòng khẩu đại liên bắn yểm trợ. Tranh thủ, một cảm tử quân khác áp sát ném 2 quả lựu đạn, làm ổ đại liên của quân Pháp im bặt.Sau 3 lần xung phong nhưng do lối vào cửa chính của khách sạn đã bị quân Pháp dùng bao cát ngăn lại nên họ chỉ lợi dụng được những lổ hổng để ném lựu đạn vào và sau đó rút lui. Trong ánh chớp của lửa đạn, những cảm tử quân Việt Nam đã rất cảm động khi thấy hình ảnh một cảm tử quân Nhật đứng lên rồi ngã xuống 2 lần nhưng vẫn giơ tay hô: “Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” rồi hy sinh. Đúng 3 giờ rạng sáng ngày 22/12/1946, quân ta rút lui. Tấn công trực diện không thành vì quân Pháp dựa vào các tòa nhà có công sự vững chắc để cố thủ nên có người đã hiến kế bằng cách cho đốt rơm - ớt ở tầng dưới, khói xông lên tầng trên, địch sẽ bị sặc khói, bị ngạt, thừa cơ ta xông lên dùng đại đao, mã tấu chém. Thấy có lý, Ban chỉ huy Mặt trận đồng ý tổ chức trận hỏa công vào Morin. Trước khi tiến hành, Đội tuyên truyền xung phong liền sáng tác bài thơ:
Ngót tháng trời bao vây quân Pháp
Không làm sao hạ được Mo-ranh
Ban chỉ huy đành viện trợ đến thần hỏa
Không củi than mà cứ rơm ớt bột
Lửa khói rơm thêm mùi cay ớt bột
Rơm ớt thay súng đạn
Hỏa công quyết thắng!
Lệnh ban ra, rơm ớt bằng đường bộ, đường thủy từ các nơi được đưa về tập trung tại Trung bộ phủ.Đêm đến bộ đội, tự vệ mang rơm vào chất ở sân Morin rồi trộn ớt bột vào… Lửa nổi, gió từ sông Hương tiếp sức nên cháy rừng rực. Quân ta reo hò, bắn súng uy hiếp tinh thần, làm cho binh sĩ Pháp ở tầng trên kêu la inh ỏi. Nhưng khốn nỗi, do lửa rơm ớt không có “lập trường”, “quan điểm”, không phân biệt bạn thù nên khi đổi hướng cũng làm quân ta lãnh đủ.
Lợi dụng ánh lửa, thừa cơ địch ở trên cao ném lựu đạn, xả súng. Ta đánh giáp lá cà và mấy lần lên được tầng 2 nhưng đều bị đẩy xuống. Trước khi rút, ta chỉ kịp cho bom nổ giật phá cầu thang, chặn đường truy kích của giặc. Ông Thân Trọng Một bị thương khi tham gia trận hỏa công này.
Hết dùng rơm - ớt, quân ta lại tính đến việc dùng xăng để tiếp tục “hỏa công” Morin. Nhưng thật oái ăm, khi vòi rồng bơm xăng từ Trung bộ phủ sang thì từ tầng lầu địch phát hiện tổ chức bắn trả. Thấy đánh bằng cách này vẫn không hạ được Morin, cán bộ ta đề nghị khoan tường dùng dynamile - thuốc bắn ở các mỏ đá để giật. Bộ chỉ huy cho thực hiện. Đêm xuống, trong lúc quân ta khoan tường, nghe tiếng động, địch ở trên cao ném lựu đạn, xả súng. Quân ta bị thương vong, kế hoạch này cũng phá sản.
Và sau này, trận đánh Morin còn có tên gọi khác là trận “Rơm - Ớt”.