Nhắc đến tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta đều biết: ông là một vị tướng huyền thoại của Việt Nam ở thế kỷ XX. Đến khi tìm hiểu về tiểu sử của Đại tướng, chúng ta mới nhận ra một điều đặc biệt: Trước khi trở thành vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Võ Nguyên Giáp là một giáo viên dạy môn Lịch sử xuất sắc tại trường Tư thục Thăng Long (Hà Nội).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột; Võ Nguyên Giáp đã có tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng từ rất sớm. Năm 1925, khi còn là học sinh trường Quốc Học (Huế), người thiếu niên Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc Hoc; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Năm 1930, Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Cuối năm 1931, Võ Nguyên Giáp được trả tự do. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội dạy học ở Trường Tư thục Thăng Long.
Trường Tư thục Thăng Long được thành lập năm 1920 là một trong những trường tư thục lâu đời nhất ở Bắc Kỳ. Trường được thành lập theo sáng kiến của ông Phạm Hữu Ninh - thành viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ.Năm 1934, sau khi đỗ Tú tài triết học, Võ Nguyên Giáp ghi tên vào học trường luật. Vừa đi học đại học, sinh viên Võ Nguyên Giáp vừa xin làm giáo viên Trường Tư thục Thăng Long để kiếm sống. Năm 1935, khóa học đầu tiên của trường được khai giảng, trở thành một sự kiện vang dội ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Trong năm năm giảng dạy môn Lịch sử tại trường Tư thục Thăng Long (1935-1940), thầy Võ Nguyên Giáp dạy cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Nhiều tướng lĩnh cao cấp của quân đội ta vốn là cựu học sinh trường Tư thục Thăng Long thuở ấy như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Hồng Cư… thường nhắc đến những bài dạy lịch sử và đầy nhiệt huyết của thầy Võ Nguyên Giáp.“Bài học mà như là chuyện kể, rất lôi cuốn: Đánh chiếm ngục Baxti, Ý nghĩa của ba chữ Tự do – Bình đẳng – Bác ái…Tự nhiên được khơi dậy trong người học, lòng yêu dân, yêu nước, chống áp bức, cường quyền, chống bất bình đẳng, mất tự do. Với giọng nói say sưa, gần gũi và thân thiện với học trò, hình ảnh thầy Võ Nguyên Giáp đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ học trò với tất cả hình ảnh đẹp về một người thầy đáng kính thông qua những bài giảng lịch sử hấp dẫn.
Đến khi đất nước hòa bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại cầm trên tay cây bút, viết ra những bài giảng, bài nói chuyện đầy tâm huyết cho các thế hệ trẻ. Xuất thân là một thầy giáo nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất hiểu và coi trọng giáo dục, văn hóa truyền thống. Hàng trăm bài nói chuyện, bài viết của Đại tướng về giáo dục đều toát lên một tầm nhìn chiến lược, một sự quan tâm tỉ mỉ chu đáo mọi vấn đề, nhiều phương diện.
Năm 1990, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn nhà báo kiêm sứ giả người Mỹ Stanley Karnow, tác giả của cuốn sách “ Vietnam – a History”, ông đã nói : “Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể triết hoặc lịch sử”.Chính bởi xuất phát điểm của Đại tướng là một giáo viên Lịch sử nên ông đọc nhiều về lịch sử và tìm được ở đó rất nhiều bài học quý giá. Những kiến thức của thầy giáo Võ Nguyên Giáp không chỉ tập trung vào những sự kiện lịch sử tiêu biểu mà còn nêu bật những tấm gương khí phách anh hùng của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu,…; phân tích rõ sự tài ba xuất sắc về chiến thuật, về quy mô, tầm vóc và tư tưởng quân sự của các vị anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt coi trọng nền văn hóa truyền thống của các thế hệ cha ông đi trước. Đó là nền văn hóa truyền thống thể hiện triết lý sống, triết lý hành động gắn với thực tiễn được nhân dân ta ghi vào lịch sử thành thơ văn, ca dao, tục ngữ. Tất cả truyền thống ấymở đường lòng yêu nước thương nòi và dần dần hình thành nên chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc mang đậm chất Viêt Nam.Những kiến thứclịch sử ấy đều được Đại tướng vận dụng xuất sắc vào thực tiễn chiến trường.
Trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội của một quốc gia nhưng không trải qua một lớp quân sự bài bản nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đọc và tìm hiểu nhiều về lịch sử. Đại tướng biết và hiểu rõ về những chiến thắng và rút ra nhiều bài học quý giá từ quá khứ hào hùng của dân tộc như trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, trận Như Nguyệt năm 1077 của Lý Thường Kiệt,…Đại tướng nhận định: Chiến trường là trường học khắc nghiệt nhất,“trong chiến tranh thắng được một trận mà học được nhiều còn hơn thắng nhiều trận mà chẳng rút ra được bài học gì. Đúc kết những bài học từ quá khứ, Đại tướng Đại tướng luônlựa chọn phương án tối ưu nhất, thuân lợi nhất và phải đảm bảo thắng lợi chắc chắn cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là trận đánh có tầm quan trọng và ý nghĩa sống còn của cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại của dân tộc. Chiến dịch này cũng là minh họa rõ nét nhất sự sáng suốt và nhạy bén của vị tướng tài ba, dày dặn kinh nghiệm Võ Nguyên Giáp. Với tầm nhìn chiến lược xuất sắc và tài năng của vị Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy “phương án đánh nhanh, thắng nhanh là quá mạo hiểm chưa đảm bảo chiến thắng hoàn toàn. Sau 11 ngày đêm trăn trở, sáng 26/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy, đó là: chuyển phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và ra lệnh hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Trận quyết chiến Điện Biên Phủ được dời lại để chuẩn bị theo phương châm mới. Đúng 17 giờ 30 phút, ngày 13/3/1954, chiến dịch Điên Biên Phủ chính thức bắt đầu. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tấn công, tiêu diệt 21 tiểu đoàn phòng ngự và toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp vào ngày 07/5/1954.
Tư duy lịch sử và sự kế thừa nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam cùng phẩm chất đạo đức cao cả của một giáo viên Lịch sử đã hội tụ đầy đủ trong con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy trong việc vận dụng nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân một cách linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn chiến trường. Trong gần 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1946-1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp nhiều công lao to lớn cho nền độc lập, thống nhất Tổ quốc; được rất nhiều học giả, chuyên gia nguyên cứu lịch sử trong và quốc tế công nhận và đánh giá cao: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp” .
Thế hệ trẻ hôm nay được sinh ra và sống trong một đất nước ấm no, hạnh phúc và hòa bình; được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của cha ông.Để có được ngày hôm nay, biết bao chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho dân tộc.Thế hệ trẻ hôm nay sẽ không bao giờ quên những mất mát, hy sinh ấy, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những thành tựu vẻ vang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi trường tồn trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, khắc sâu trong lòng mỗi thế hệ người dân Việt Nam.