Đặng Văn Việt sinh năm 1920, là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thân sinh là Tổng đốc Nghệ An Đặng Văn Hướng, thân mẫu là cụ bà Hoàng Thị Hiền. Ông từng được người Pháp mệnh danh là "Hùm xám đường 4" do thành tích chỉ huy Trung đoàn 174 giành được nhiều chiến tích trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950.
Thuở nhỏ, do truyền thống và điều kiện gia đình, ông theo học trường Quốc học Huế, nơi cha ông làm quan tại đây. Một thời gian, khi cha ông sang Pháp công tác, ông theo học 4 năm tại trường Lycée de la Providence. Sau khi về nước, ông học thêm 4 năm nữa tại trường Trung học Khải Định. Sau khi đỗ tú tài toàn phần năm 1942, ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương.
Một sự kiện cuốn hút ngay anh sinh viên Trường Y Đặng Văn Việt, đó là Trường Thanh niên tiền tuyến khai mạc 1/7/1945 tại Huế nhằm đào tạo các sĩ quan Việt Nam tương lai. Hiệu trưởng là Phan Tử Lăng vốn là Chỉ huy trưởng Bảo an binh miền Trung sau này trở thành một trong những đại tá đầu tiên của quân đội ta (Trường Thanh niên tiền tuyến chỉ tồn tại đúng 2 tháng (16/6/1945 - 14/8/1945) và đào tạo đúng một khóa với 43 học viên. Tuy bề ngoài là trường của chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng bên trong là nơi đào tạo các cán bộ quân sự để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng ta. Học viên của trường đã đóng góp tích cực ngay từ phút mở màn của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ chính quyền Cách mạng ở Thừa Thiên Huế tháng 8/1945. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, các học viên của trường đã treo cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Huế ngày 21/8/1945; tổ chức bảo vệ trật tự cuộc mít tinh chào mừng khởi nghĩa thắng lợi, ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng Trung bộ và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên Huế, lễ thoái vị của vua Bảo Đại)
Nhóm 4 sinh viên Việt Minh từ Hà Nội về Huế gồm ông Việt, ông Lâm Kèn (Nguyễn Thế Lâm, sau là thiếu tướng, tư lệnh đầu tiên của Liên khu V), ông Phan Hàm (sau là thiếu tướng, Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), ông Võ Quang Hồ (sau là Phó cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu), được ông Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên (sau làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương) và ông Trần Hữu Dực, Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Trung bộ (sau làm Phó thủ tướng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ. Sau một thời gian tuyên truyền vận động, tổ 4 người của ông Việt đã “ Việt Minh hoá” toàn bộ 43 học viên Trường Thanh niên tiền tuyến; và sau cách mạng tháng 8/1945 toàn bộ những người này đã trở thành 43 sĩ quan giải phóng quân của tỉnh Thừa Thiên Huế (sau này đều thành sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam).
Ngày 20/8/1945, ông Việt được ông Trần Hữu Dực giao nhiệm vụ: “Sáng mai, phải treo cho được cờ Việt Minh trên kỳ đài trong kinh thành Huế”. Nhận nhiệm vụ, ông Việt đạp xe xuống cơ sở dưới Phú Vang (nay là Huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) nhận cờ. Do lá cờ to nặng, ông Việt phải cuộn tròn cho vào bao tải, hì hục đưa về Trường Thanh niên tiền tuyến. Để việc treo cờ hoàn thành, ông Lâm Kèn cho ông Việt mượn khẩu súng ngắn Barillet với 6 viên đạn xịt. Ông Nguyễn Thế Lương (sau đổi tên thành Cao Pha) đi cùng hỗ trợ. Trước khi đi “Chúng tôi được dặn phải mặc trang phục do trường mới phát. Đi giày da, đội mũ ca lô sừng bò, nhìn như 2 chàng ngự lâm”, ông Việt cười nhớ lại.
Sáng 21/8, các ông quấn lá cờ dài như con trăn, gác lên 2 xe đạp rồi còng lưng đẩy 2 km đến chân kỳ đài Huế (Kỳ đài Huế nằm giữa nội đô cách Ngọ Môn khoảng 300 mét. Trên khuôn viên chừng 4 ha xây thành 3 tầng cao 17,5 mét. Chính giữa có cột bê tông cao 29,52 mét. Dây thừng kéo cờ to bằng cổ tay người lớn. Đỉnh cột cờ có ròng rọc đỡ, phải sáu người lính vạm vỡ mới kéo nổi.
Kỳ đài luôn có 12 lính trang bị súng canh gác ngày đêm bên cạnh đó có đại đội lính khố vàng gồm 120 tay súng. 10 khẩu pháo đùng và 9 khẩu thần công 200 ly bảo vệ cung vua ngay cạnh). Để ông Lương đứng dưới giữ cờ, ông Việt trèo lên gặp đội trưởng canh gác kỳ đài, nói: “Theo lệnh Ủy ban Kháng chiến Trung bộ, chúng tôi có nhiệm vụ hạ cờ quẻ ly, treo cờ cách mạng. Yêu cầu các anh giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”. Có lẽ uy thế của Việt Minh quá mạnh, nên không gặp bất kỳ một phản ứng nhỏ nào. Vì đằng sau chúng tôi là hàng ngàn vạn nhân dân Thừa Thiên Huế, bừng bừng khí thế như một ngọn sóng thần đang chuẩn bị sẵn sàng xông lên lật đổ chế độ quân chủ. Theo lệnh ông Việt, 5 lính pháo đùng, buộc cờ vào dây, qua ròng rọc, đưa cờ đỏ sao vàng từ từ lên cao và cờ nhà vua từ từ hạ xuống. Anh Lương (Cao Pha) và 5 lính pháo đùng, xếp hàng ngang, đứng nghiêm, đưa tay chào theo lễ nghi quân sự. Hình thức thật đơn sơ, thời gian ngắn gọn. Ông còn nhớ hôm ấy đúng “giờ Mùi (khoảng 14 giờ) ngày 14 tháng 7, Ất Dậu (tức 21/8/1945) trước 2 hôm ngày giành chính quyền ở Huế (23/8/1945)”
Lá cờ đỏ sao vàng rộng hơn 100 mét vuông sáng 21/8 đã phấp phới bay trên kỳ đài Huế. Người dân thành phố Huế và vùng lân cận khi ấy thấy lá cờ rộng lớn tung bay, phấn khởi reo hò: “Cách mạng đã về. Việt Minh đã về”.
Ông Đặng Văn Việt, người đã treo ngọn cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên trên kỳ đài Huế thay cho lá cờ quẻ ly của nhà Nguyễn vào ngày 21/8/1945 kể lại: “Bảo vệ kỳ đài là một tiểu đội lính dõng, làm thêm nhiệm vụ đốt pháo lệnh, nhân dân Huế (có cả tôi, gần 20 năm lớn lên trên đất này) sống quen với những tiếng pháo đùng phát ra từ kỳ đài. Cứ đến 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ, mỗi lần ba phát làm chấn động cả bầu trời yên tĩnh của Cố đô, hòa với nhịp đập của trái tim, hơi thở, nếp sống của từng người dân”.
Mãi lo việc, sau này, Đặng Văn Việt mới biết một chuyện. Khi cờ quẻ ly bị hạ xuống, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đang có mặt bên vọng lâu Đại nội. Đội trưởng đội cảnh vệ của Triều đình Huế đã cho 120 lính chĩa súng về phía Đặng Văn Việt và xin phép vua Bảo Đại cho nổ súng! Bảo Đại lúng túng, hỏi nhỏ Hoàng hậu Nam Phương: Răng chừ?
Hoàng hậu Nam Phương đáp ngay:
Ngài rành sử chắc biết Vua Louis 16 và Marie Antoinette chỉ vì cho phép lính bắn vào người của cách mạng năm 1789 mà sau đó cả hai đã bị chém đầu!
Bảo Đại bật kêu lên.
Chớ chớ! Không được bắn. Các ngươi mà bóp cò thì Trẫm chết trước đó!
Nhờ quyết định sáng suốt của Bảo Đại lúc đó mà không bên nào bị đổ máu! Nhiệm vụ đầu tiên của Đặng Văn Việt thành công trọn vẹn
Đến năm 1954, Đặng Văn Việt được phân công giảng dạy ở Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Đại học Trần Quốc Tuấn). Năm 1958, ông Đặng Văn Việt được phong quân hàm Trung tá. Năm 1960, ông xuất ngũ và được điều sang làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ hưu.
Từ năm 1985 ông bắt đầu bước vào sự nghiệp văn chương. Đặc biệt, với hồi ký Đường số 4 rực lửa, ông đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. Ngoài ra ông còn có một số tác phẩm dịch qua tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu ra quốc tế
Ông Đặng Văn Việt – người lính già, Hùm xám đường 4 đã về cõi vĩnh hằng ngày 25/9/2021, tại Bệnh viện Hữu Nghị ( Hà Nội ), hưởng Đại thọ 102 tuổi. Lễ viếng và truy điệu ông diễn ra vào sáng 27/9/2021 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.