TỪ TỬ NGỤC CHÍN HẦM, CHIẾN THẮNG TRỞ VỀ VỚI TẬP THƠ “SỐNG TRONG MỒ”
Đại tá Nguyễn Minh Vân (1923 - 2014) tên thật là Nguyễn Đình Quảng, bút danh Nguyễn Dân Trung, quê ở xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình Hiến (1872 – 1947), nổi tiếng học giỏi, đương thời được mọi người tôn vinh là một trong bốn “Quảng Nam tứ kiệt” về học vấn (Nguyễn Đình Hiến, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Liệu). Thân mẫu là cụ bà Tôn Nữ Thị Trinh (1891 -1934), quê xứ Huế, con của một vị tiến sĩ dòng dõi Tôn Thất.Vợ là bà Nguyễn Thị Thìn (1927), quê xã Đồng Ánh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Các con: Nguyễn Thị Huyền Trang (1950 – 1992), tiến sĩ Dược học và Nguyễn Quốc Hùng (1952), làm việc trong Ban Dự án, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội.

        Cuộc đời cách mạng của đồng chí có nhiều điều lý thú, quê ở Quảng Nam, sinh ra ở Bình Định, nhưng sống chủ yếu ở Huế bởi cụ thân sinh từng làm quan, đảm nhận chức Phủ doãn Thừa Thiên. Từ nhỏ, Nguyễn Đình Quảng được học hành tử tế, từng theo học trường Quốc học Huế (1931 - 1936); trường Thuận Hoá (1936 – 1940); trường Khải Định (1940 – 1943), có bằng tú tài Tây học và vốn tiếng Pháp lưu loát.

        Được người thầy đầu tiên là cụ Huỳnh Thúc Kháng dìu dắt, Nguyễn Đình Quảng sớm đến với Đảng, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, tình báo. Tháng 4/1946, với tư cách Bộ trưởng Chính phủ mới, cụ Huỳnh đã cho gọi Đình Quảng ra Hà Nội và giới thiệu làm thư ký riêng cho đồng chí Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I). Tháng 6/1956, đồng chí nhận nhiệm vụ của cơ quan tình báo chiến lược ngoài Hà Nội vào Huế để nắm mạng lưới điệp báo miền Trung, nhưng việc không thành do địch đang đẩy mạnh chiến dịch tố cộng diệt cộng, đánh phá dữ dội vào các tổ chức cách mạng trên khắp địa bàn. Giữa năm 1957, Thường vụ Khu ủy 5 nhất trí với Cơ quan tình báo chiến lược Trung ương, phải cho đồng chí chuyển vùng vào Sài Gòn để nắm một lưới điệp báo đặc biệt của Khu. Công việc đang bắt đầu có hiệu quả thì ngày 1/11/1957, đồng chí bị bọn mật vụ miền Trung vào bắt, do có sự đầu hàng khai báo của một số cán bộ cơ sở trong mạng lưới.

        Ngay lập tức, Nguyễn Đình Quảng (lúc này có tên  Minh Vân do đồng chí Hoàng Minh Đạo – phụ trách phòng tình báo đặc biệt đặt) bị tống vào nhà giam đặc biệt P.42 của mật vụ Ngô Đình Nhu tra khảo. Tuy nhiên, kết quả mà chúng thu được vẫn chỉ là sự im lặng. Rồi tháng 2/1958, chúng đưa đồng chí ra Huế, giam vào Lao xá Ty công an Thừa Thiên, nơi tên bạo chúa Ngô Đình Cẩn và bọn mật vụ miền Trung của hắn, bắt đầu thực hiện một âm mưu rất xảo quyệt gọi là "chính sách cải tạo và sử dụng người kháng chiến cũ" núp dưới danh hiệu là "chuyển hướng". Đồng chí nhớ lại: “Có đến hai lần Ngô Đình Cẩn cho Giám đốc Công an Trung phần Lê Khắc Duyệt mang xe hơi đến mời tôi về nhà riêng của Cẩn và một lần về nhà thờ Phú Cam để mua chuộc”. Biết không lay chuyển ý chí cách mạng của người chiến sĩ tình báo, chúng tiếp tục đưa đồng chí giam ở đồn Mang Cá, nhốt vào biệt phòng rồi đưa đến tử ngục Chín Hầm.

        Ngày 10/11/1961, đồng chí bị biệt giam tại Chín Hầm, cũng như các tù nhân khác đều bị còng tay, bịt mắt, đẩy lên xe, đè dí người suống sàn xe. Vừa xuống xe, chúng đẩy đồng chí vào hầm số 8 (Hầm số 8 được chia thành 20 xà lim, mỗi xà lim có chiều rộng 0,8m, chiều dài 1,8m, chiều cao 1,8m. Xà lim chật hẹp, lạnh lẽo, tường màu đen, một tấm ván cỡ thước rưỡi để nằm, phía dưới chân có một xô làm bằng gỗ dùng để phân). Ngót gần 4 năm ròng rã đồng chí đã trải qua rất nhiều nhà giam, nhiều lúc cũng bị nhốt vào biệt giam nhưng chưa có nơi nào khủng khiếp đến vậy. Ở nhiều nhà tù khác, một ngày ít nhất tù nhân cũng được ra ngoài 1 lần đi vệ sinh, thế nhưng ở đây tất cả những người tù đã bị đưa vào nơi này là cách ly hoàn toàn với cuộc sống ngoài xã hội, không còn được nghe gì, thấy gì cuộc sống trên trái đất, không gian của họ chỉ là 2 mét khối không khí của cái chuồng tăm tối, hôi hám, ngạt thở trong lòng đất. Những ngày tháng sống ở Chín Hầm, đồng chí đã trải qua tất cả các biện pháp tra tấn quái dị. Đang đêm chúng kéo nhau vào hầm quát tháo, hoặc vác gậy đập vào các cửa hầm, song sắt. Ban ngày, đang đi tuần bên ngoài, chúng thình lình bắn vài phát súng trên nóc hầm gây hoảng loạn, chấn động thần kinh khiến người đau yếu nghe muốn rụng tim. Và thủ đoạn tra tấn chủ yếu của chúng là cách cho ăn vô cùng man rợ, mà tai ác nhất là cho ăn cơm trộn muối kéo dài nhiều ngày. Vì vậy, chỉ chưa đầy 3 tháng, đã có 5 đồng chí ngã xuống: Ngày 20/11, đồng chí Quang qua đời, ngày 28/11 đồng chí Tư mất, ngày 25/1/1962 đến lượt anh Chín Thính, ngày 31/1 đến anh Hội và cuối cùng là anh Bích mất ngày 5/2/1962.

        Bắt đầu từ ngày 6/2/1962, sau cái chết của người thứ 9 trong hầm (trước đó đã có 4 đồng chí hy sinh), bọn mật vụ đã thay đổi thủ đoạn đối với 3 người tử tù còn sống sót. Chúng không để chết nhanh mà cấp thuốc uống cho hồi phục lại, rồi tiếp tục đày đoạ để bắt chịu đựng cực hình một cách kéo dài vô thời hạn. Chúng chỉ cấp một số thuốc như thuốc chữa bệnh đường ruột và B1, rồi cho ăn vài ngày cơm nóng. Thấy tử tù hồi sức được một chút là chúng lại bắt đầu cho xơi cơm sống, cơm trộn muối, uống nước lã có mùi tanh. Bọn mật vụ của Ngô Đình Cẩn thay đổi biện pháp hành hạ đối với 3 tử tù không phải là do nhân đạo, mà chúng sợ nếu cả 3 đều chết thì âm mưu của chúng sẽ thất bại hoàn toàn, bởi vì mục đích của chúng là dùng thủ đoạn "chôn sống" một số tù nhân chính trị cứng đầu với hy vọng kết quả cuối cùng sẽ có ít nhất một người không chịu đựng được sẽ quay đầu làm tay sai, cái mà chúng vẫn thường gọi là "chuyển hướng".

         Để đối phó với thâm ý của địch, đồng chí Minh Vân đã nghĩ ra cách làm thơ kể lại mọi chuyện xảy ra trong nhà tù của mật vụ Ngô Đình Cẩn. Trong điều kiện không có giấy bút, người chiến sĩ kiên trung ấy đã làm một loại thơ kể chuyện, với lời lẽ giản dị và tình cảm chân thực từ chính lòng mình. Và thế là truyện thơ "Sống trong mồ" đã được sáng tác vào khoảng cuối năm 1962, đầu năm 1963. Câu thơ thứ 3.000 được đồng chí ghi nhớ đúng vào ngày sinh của con trai mình (2/11/1963).

        Những câu thơ được Minh Vân (Dân Trung) sáng tác trong không gian khét tiếng bạo tàn như địa ngục và sự thiếu thốn cùng sự tra tấn của kẻ thù. Không giấy bút, ông phải lưu lại bằng trí nhớ nên đó có thể chưa phải là những câu thơ hay, mang vẻ đẹp của thi ca, nhưng thật đanh thép, tố cáo tội ác tày trời của bè lũ Ngô Đình Cẩn ở tử ngục Chín Hầm.

       Nhà tù chỉ có thể giam cầm được thân thể chứ không thể khuất phục ý chí, sự kiên trung của các tù chính trị. Một thứ ánh sáng nữa cũng vô cùng đặc biệt, đập tan cái giá lạnh, cô tịch của lao tù, đó là ánh sáng của tình bạn, tình đồng chí. Dẫu không biết ngày mai ai sống, ai chết, trong đêm lạnh họ vẫn cố vươn qua nóc hầm để truyền cho nhau tấm áo, manh quần, dù có rách, có nát nhưng người nhận cũng cảm thấy ấm lòng vì đồng đội sống chết luôn bên nhau:

“Cậu đừng lo, mình... đã có quần rồi”.

Hồng giúi trả: “Mình nghe người còn vững

Mình mới tới, còn bền hơi chịu đựng

Cậu ở lâu, sức chắc kiệt, còn chi

Cầm về đi! Đừng để lạnh mà nguy!”

Tám vứt mạnh chiếc quần qua song sắt…

Đặc biệt, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người cộng sản vẫn luôn thể hiện rõ ý chí kiên trung, bất khuất:

Rời mặt đất, xuống hầm đen lạnh lẽo

Mang trên người những vết thương thành sẹo

Chỉ tấm lòng còn lành lặn y nguyên.

Và nguyện vọng cuối cùng của những chiến sĩ can trường quyết tử, thốt lên trước lúc hy sinh đã khắc sâu vào tâm khảm đồng chí:

Lời trăng trối mang hồn người sắp chết

Vọng qua vách, trang nghiêm mà thống thiết

Các anh ơi! Cố sống thoát một người

Về với đồng bào - dù chỉ một người thôi!

Để tố cáo kiểu hầm giam vô cùng tàn bạo

         Phải chăng chính những vần thơ, những câu chữ như gạn chắt từ xương máu và tâm can ấy đã nuôi sống nghị lực và tinh thần giúp đồng chí vượt qua cái thử thách tưởng chừng không thể nào vượt qua bằng sức mạnh “đội mồ mà sống lại”, để có thể trở về với Đảng, với cách mạng. Nguyễn Minh Vân chia sẻ: “Chiều ngày 3/11/1963, trong yên ắng và giá lạnh của vùng đồi núi bỗng nghe tiếng mở hầm, tôi bàng hoàng chưa biết vui hay buồn, tôi bước ra khỏi cửa hầm nhanh đến nỗi chứng bệnh tê gần nửa thân tự nhiên bay biến đâu sạch trơn, Ra khỏi cửa hầm trời chưa tối hẳn không biết đi về đâu nhưng cảm giác thấy vui và sung sướng, như mình vừa trở về từ địa ngục”

        Có thể lí giải rằng, chính ngọn lửa thiêng của Đảng và sự vùng dậy lớn lao của quần chúng đã chỉ đường và chắp cánh, tạo nên sức mạng lớn lao để Nguyễn Minh Vân - con người dáng điệu hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ ấy đã xông vào những nơi thử thách và từ cõi chết, đã chiến thắng trở về với một tập thơ của mình. Năm 1973, trên diễn đàn văn học xuất hiện một bản trường ca gây tiếng vang lớn, phát hành với số lượng 15.200 bản. Đó là tập truyện thơ với tên gọi Sống trong mồ của tác giả lần đầu tiên “lộ diện” trên văn đàn: Nguyễn Dân Trung (tức Nguyễn Minh Vân/Nguyễn Đình Quảng). Ngay khi phát hành, truyện thơ “Sống trong mồ” đã gây chấn động dư luận cả trong nước cũng như báo chí nước ngoài bởi tính chân thực và hoàn cảnh ra đời đặc biệt của nó.  

Lê Thị Mai An
 Bản in]
     

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác