Là một trong những hoạt động quan trọng để duy trì và phát huy sự liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bảo tàng,đồng thời góp phần gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hoá nói riêng tại 2 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước: Thừa Thiên Huế - Quảng Ninh; Sáng ngày 22/7, tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế đã diễn ra buổi Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh”.
Nhắc đến Quảng Ninh, người Việt Nam và bạn bè năm châu đều biết đến Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên không chỉ có vậy, mẹ thiên nhiên kỳ diệu còn ưu ái ban tặng cho Quảng Ninh một báu vật, thứ “vàng đen” được kết tinh từ hàng triệu năm: Than đá. Điều đặc biệt, là tại cái nôi của những hòn than đen xù xì thô ráp, con người nơi đây đã sáng tạo nên một nghề mang giá trị cao về thẩm mỹ, đó là “Nghề điêu khắc than đá”.
Điêu khắc than đá đã trở thành nét văn hóa riêng biệt của Quảng Ninh, được đánh giá là một nghề truyền thống gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất mỏ. Than đá được hình thành qua rất nhiều biến động địa chất trên bề mặt trái đất cùng các tầng lớp động, thực vật phân hủy kết tủa từ hàng triệu năm trước. Cảm nhận và trân trọng giá trị của nguồn “vàng đen” quý giá các nghệ nhân vùng đất mỏ đã tạo ra nhũng sản phẩm tuyệt đẹp, sống động chứa đựng nhiều hình tượng ý nghĩa. Như bao nghề truyền thống khác trên đất nước Việt Nam, “Nghề điêu khắc than đá” có lúc thăng, lúc trầm theo quy luật.
Phát biểu tại buổi Khai mạc trưng bày, đồng chí Phan Thanh Hải - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh: “Vào năm 1839, chính Hoàng đế Minh Mạng là người đầu tiên chuẩn y đề xuất của Tổng đốc Hải Yên Tôn Thất Bật (cũng là một người Huế) cho phép khai thác than ở núi Yên Lĩnh (nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Đông Triều- Quảng Ninh). Vì vậy, vị Hoàng đế này đã được tôn vinh là Ông Tổ của nghề khai thác than đá Việt Nam. Năm 2008, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã ủng hộ Thừa Thiên Huế 3,2 tỷ đồng (là số tiền đóng góp của tập thể cán bộ công nhân viên chức của Tập đoàn) để trùng tu công trình Hiển Đức Môn trong lăng vua Minh Mạng. Như vậy, mối quan hệ giữa Huế và Quảng Ninh đã được thiết lập cách đây hơn 180 năm bởi một vị Hoàng đế triều Nguyễn, và được bồi đắp ngày càng tốt đẹp qua thời gian”.
Trưng bày chuyên đề “Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh” được xem là một nội dung trưng bày có nhiều giá trị văn hóa về sự nghiệp phát triển ngành than của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Chuyên đề chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc của các tác phẩm thủ công mỹ nghệ từ than đá phản ánh qua hơn 200 hình ảnh tư liệu quý và các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu được thể hiện trong hai chủ đề chính:
Chủ đề thứ nhất: Giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của ngành than
Chủ đề hai: Giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ than đá
Trưng bày chuyên đề này là dịp để công chúng và du khách đến Huế có dịp chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn những hình ảnh, sản phẩm có giá trị và tình yêu dành cho nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh; nêu cao tinh thần tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngành nghề truyền thống của đất nước.
Trưng bày chuyên đề “Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh” sẽ diễn ra từ ngày 22/7 – 15/9/2021, tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.