TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHO CƠ SỞ 

Kho cơ sở Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế hiện đang quản lý, sử dụng trên 30.000 tư liệu, hiện vật và đã xây dựng 12 bộ sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và truyền thống đấu tranh cách mạng của vùng đất và con người Thừa Thiên Huế.

Cũng như nhiều Bảo tàng khác ở Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế được hình thành trên cơ sở các hiện vật gốc và các sưu tập hiện vật gốc. Quá trình hình thành kho Bảo tàng gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng nội dung trưng bày Bảo tàng. Nhưng điều đó không có nghĩa là kho chỉ lưu giữ, bảo quản những tài liệu, hiện vật phục vụ cho nội dung trưng bày trước mắt, mà phải xác định kho cơ sở là nơi lưu giữ, bảo quản các tài liệu, hiện vật, hình ảnh về thời kỳ tiền sơ sử; thời kỳ đấu tranh cách mạng và trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ở chiến trường Trị Thiên Huế, cùng những đóng góp của nhân dân Thừa Thiên Huế trong tiến trình phát triển lịch sử và văn hóa của dân tộc.

Xuất phát từ nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của từng khâu công tác nói chung, công tác quản lý hiện vật nói riêng, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến công tác quản lý khoa học, bảo quản tư liệu, hiện vật và các bộ sưu tập hiện vật gốc. Công tác kiểm kê gắn với các biểu mẫu, sổ sách, hệ thống phích phiếu… tuân thủ quy định nghiệp vụ của ngành, phù hợp với đặc điểm thực tiễn và loại hình của Bảo tàng Lịch sử. Với công tác kho, hồ sơ khoa học hiện vật có vai trò hết sức quan trọng, là yếu tố quyết định sự tồn tại của từng hiện vật và việc phát huy giá trị của hiện vật trong mọi hoạt động Bảo tàng. Những câu chuyện xúc động ẩn chứa bên trong những kỷ vật, hiện vật, đó chính là phần hồn của hiện vật. Bên cạnh đó, công tác kho cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các bộ sưu tập hiện vật quý, có giá trị đặc trưng, thể hiện tính độc đáo của mỗi Bảo tàng.

Trong xu thế hội nhập, với sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc quản lý, khai thác thông tin trong kho cơ sở là một yêu cầu tất yếu khách quan của các Bảo tàng hiện nay. Thực hiện mục tiêu đó, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế xây dựng cơ sở dữ liệu trên các phần mềm để quản lý và khai thác hiện vật đảm bảo đúng nguyên tắc Bảo tàng, phù hợp với hoạt động thực tiễn của đơn vị và xu hướng phát triển Bảo tàng theo định hướng kho mở, góp phần quan trọng vào việc phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày, tuyên truyền giáo dục cũng như phục vụ nhu cầu khai thác và hưởng thụ văn hóa cho mọi đối tượng trong và ngoài Bảo tàng.

  • Vũ khí trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở chiến trường Trị Thiên Huế - Súng các loại  
    Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thừa Thiên Huế đã trải qua các chặng đường gay go, ác liệt, những mất mát hy sinh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân

  • Cờ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn thời kỳ 1954-1975 ở Thừa Thiên Huế  
    Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), cũng như các địa phương khác từ vĩ tuyến 17 trở vào, Thừa Thiên Huế là vùng đất do đế quốc Mỹ và tay sai kiểm soát, quản lý nhưng cũng chính tại các nơi này, phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân luôn được duy trì và phát triển.

  • Cờ Cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa  
    Ở Thừa Thiên Huế, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong công cuộc xây dựng XHCN, nhiều loại cờ đã được sử dụng làm vũ khí chiến đấu, kêu gọi mọi người tập hợp dưới ngọn cờ - biểu trưng của Tổ quốc, của chính nghĩa để đứng lên chống ngoại xâm (cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam); làm giải thưởng để động viên, khích lệ các đơn vị có thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và trong sản xuất, xây dựng XHCN (cờ tặng đơn vị xuất sắc, quyết thắng…); làm quà tặng để thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ với quân và dân Thừa Thiên Huế của các địa phương, các đơn vị quân đội và các đoàn khách quốc tế….

  • Hiện vật mộ táng qua các đợt khai quật khảo cổ học ở Thừa Thiên Huế  
    Phương thức mai táng (táng thức) và đi liền với nó là nghi lễ tang ma (táng tục) là một trong những đặc trưng của văn hóa tộc người. Táng thức và táng tục là hiện tượng văn hóa phản ánh khá rõ những quan niệm tín ngưỡng và sau này là ý niệm tôn giáo của con người, táng thức nào cũng hàm chứa tín ngưỡng về cái chết và sự sống. Về nhân sinh quan, người Việt Nam cũng như các dân tộc Đông Nam Á quan niệm rằng con người có hai phần: linh hồn và thể xác.

  • Sưu tập Bi đông – Ăng gô
    Trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hình ảnh những người con kiên trung, anh dũng trong chiến đấu luôn khắc sâu trong tâm hồn chúng ta với một niềm cảm phục và biết ơn sâu sắc.

  • Sưu tập Hũ gạo tiết kiệm (1945 – 1975)
    Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, nhiệm vụ cần kíp trước mắt là phải “Củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân…”. Trên mặt trận cứu đói, chính quyền cách mạng Thừa Thiên Huế cùng với mặt trận Việt Minh và các tổ chức đoàn thể cứu quốc như Thanh niên, Phụ nữ… động viên nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa (mỗi bữa mỗi bơ) đem số gạo để cứu dân nghèo”. Một phong trào quyên góp, tổ chức “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói”… được phát động mạnh mẽ.

  • Hiện vật Chămpa  
    Trong truyền thống văn hóa đa sắc màu của dân tộc Việt Nam, văn hóa người Chăm chiếm một vị trí quan trọng; là một bộ phận của đại gia đình 54 dân tộc anh em, dân tộc Chăm đã tạo nên một nền văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc, góp phần làm phong phú, đa dạng những giá trị đặc sắc cho nền văn hóa của nước Việt Nam thống nhất. Đặc biệt ở Thừa Thiên Huế, “nơi được coi là vùng đất khởi nghiệp của dân tộc Chăm dựng nên quốc gia độc lập tự chủ từ cuối thế kỷ II (192) - Nhà nước cổ Lâm Ấp (LinJi)”. Trải qua hàng thế kỷ hình thành và phát triển, người Chăm để lại trên vùng đất Thừa Thiên Huế khá nhiều công trình kiến trúc như đền, tháp, thành quách, tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, ...


    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối  

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác