Trong truyền thống văn hóa đa sắc màu của dân tộc Việt Nam, văn hóa người Chăm chiếm một vị trí quan trọng; là một bộ phận của đại gia đình 54 dân tộc anh em, dân tộc Chăm đã tạo nên một nền văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc, góp phần làm phong phú, đa dạng những giá trị đặc sắc cho nền văn hóa của nước Việt Nam thống nhất. Đặc biệt ở Thừa Thiên Huế, “nơi được coi là vùng đất khởi nghiệp của dân tộc Chăm dựng nên quốc gia độc lập tự chủ từ cuối thế kỷ II (192) - Nhà nước cổ Lâm Ấp (LinJi)”. Trải qua hàng thế kỷ hình thành và phát triển, người Chăm để lại trên vùng đất Thừa Thiên Huế khá nhiều công trình kiến trúc như đền, tháp, thành quách, tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, đồ gốm…
Hiện nay Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một số lượng khá lớn hiện vật Chăm được phát hiện trong các đợt khai quật khảo cổ học và sưu tầm với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Với 106 hiện vật tiêu biểu Bảo tàng xây dựng sưu tập “Hiện vật Chămpa” nhằm hệ thống hóa các hiện vật, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao giá trị lịch sử văn hóa của các cổ vật – những minh chứng khẳng định cho sự phát triển rực rỡ một thời của văn hóa Chăm trên đất Thừa Thiên Huế. Đây là bộ sưu tập thứ tư, được phân thành ba nhóm: Nhóm tham gia vào kiến trúc đền tháp gồm 60 hiện vật, nhóm tác phẩm điêu khắc tôn giáo gồm 15 hiện vật, nhóm đồ gốm gồm 30 hiện vật và 01 hiện vật chất liệu kim loại có màu vàng (khả năng là vàng dát mỏng) phát hiện trong ngôi mộ Chăm khai quật tại Gò Gạch thuộc thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong bộ sưu tập này tiêu biểu là hiện vật Bệ thờ phát hiện tại phế tích Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận bảo vật Quốc gia theo quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009 bệ thờ được đưa sang triền lãm tại Bảo tàng Mỹ Thuật châu Á, Hoa Kỳ gần một năm.
Sưu tập “Hiện vật Chămpa ” là một trong những bộ sưu tập độc đáo, rất có giá trị về lịch sử, nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng, đóng góp những thông tin, tư liệu quý trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Chămpa ở Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh ven biển miền Trung nói chung.