Sưu tập Hũ gạo tiết kiệm (1945 – 1975)
Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, nhiệm vụ cần kíp trước mắt là phải “Củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân…”. Trên mặt trận cứu đói, chính quyền cách mạng Thừa Thiên Huế cùng với mặt trận Việt Minh và các tổ chức đoàn thể cứu quốc như Thanh niên, Phụ nữ… động viên nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa (mỗi bữa mỗi bơ) đem số gạo để cứu dân nghèo”. Một phong trào quyên góp, tổ chức “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói”… được phát động mạnh mẽ.

Song hành với cuộc “Kháng chiến kiến quốc” ngay từ những ngày đầu do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, hũ gạo tiết kiệm lại tiếp tục thực hiện vai trò của mình trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp tiếp theo và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này. Tuy nhiên, ở vào những thời điểm và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, chức năng sử dụng của hũ gạo lại tiếp tục được phát huy, như: Hũ gạo nuôi quân – dùng để quyên góp gạo phục vụ cho bộ đội đang chiến đấu ngoài mặt trận; hũ gạo kháng chiến – dùng để nuôi dấu những cán bộ hoạt động bí mật đang ở trong lòng địch hoặc dùng để đựng các tài liệu bí mật phục vụ kháng chiến. Nhưng với tên gọi chung “Hũ gạo tiết kiệm” vẫn là một minh chứng quan trọng về một giai đoạn lịch sử của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc. Đó là tình đồng chí, nghĩa đồng bào, truyền thống của một dân tộc không chịu khuất phục trước mọi khó khăn thử thách, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, ý chí kiên cường, là bài học kinh nghiệm quý báu về đoàn kết là sức mạnh để vươn tới tương lai.

Bộ sưu tập Hũ gạo tiết kiệm gồm 75 hiện vật, đây là bộ sưu tập thứ mười của Bảo tàng. Chất liệu chủ yếu là đồ sành sứ và gốm sứ, được chế tác theo lối thủ công truyền thống. Ngoài nhiệm vụ dùng để quyên góp gạo cứu đói trong giai đoạn 1945 – 946, có một số hiện vật còn gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế trong các giai đoạn cách mạng sau này (Hiện vật của gia đình ông Đoàn Duy Khương (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Vang) gắn với Trung đoàn 101 và trận đánh đồn Mỹ Lợi (năm 1948); đặc biệt có hai hiện vật gắn với Bà mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ Ngô Thị Cháu, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy và mẹ Hoàng Thị Đỉu, xã Phong An, huyện Phong Điền…).

Hũ gạo tiết kiệm – một vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của đông đảo quần chúng nhân dân lao động, mặc dù xuất phát từ những địa phương khác nhau, từ những gia đình có điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau, hiện vật đã đồng hành cùng nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Mỗi hiện vật trong bộ sưu tập là một minh chứng lịch sử sinh động, chứa đựng một sức sống mãnh liệt về một dân tộc anh hùng, một quân đội anh hùng; thể hiện nghĩa cử nhân ái, cao cả của một dân tộc biết thương yêu, đoàn kết, tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
 Bản in]

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác