* Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần
Đồng chí Võ Văn Tần (bí danh Bảy, Già Trầu) sinh năm 1891 trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống yêu nước tại làng Đức Hòa(nằm ven sông Vàm Cỏ Đông), quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.Vùng đất này có vị trí chiến lược quan trọng, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.
Phải lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, đồng chí Võ Văn Tần sớm lao động cực nhọc vừa tần tảo phụ giúp gia đình vừa tìm hiểu, trải nghiệm nhiều mặt của đời sống xã hội. Năm 1926, từ Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng). Đến tháng 8/1929, đồng chí Võ Văn Tần gia nhập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, trực tiếp vận động và thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở làng Đức Hòa, gồm bảy hội viên do Đồng chí làm Bí thư (chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Chợ Lớn xưa, ngày nay thuộc tỉnh Long An).
Ngày 6-3-1930, sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Võ Văn Tần đứng ra thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở làng Đức Hòa, cũng là chi bộ sớm nhất của tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Giỏi vận động và có tài tổ chức, Võ Văn Tần nhanh chóng phát triển phong trào.Tháng 5-1930, ông được bầu làm Bí thư Quận ủy Đức Hòa, một trong số Quận ủy đầu tiên trong tỉnh. Ngày 4-6-1930, Võ Văn Tần cùng với Châu Văn Liêm (Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định – Chợ Lớn) lãnh đạo nông dân tiến hành cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất ở Nam kỳ tại quận lỵ Đức Hòa đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân vô cớ. Cuộc biểu tình bị đàn áp, Châu Văn Liêm hy sinh, Võ Văn Tần bị địch truy nã và kết án tử hình vắng mặt.
Tháng 6/1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn.Tháng 6/1932,Đồng chí đứng ra thành lập cơ quan Liên huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa và tổ chức viết báo “Cờ lãnh đạo” (sau này được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ) để vận động, phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ để tổ chức đấu tranh. Cuối năm 1932, đồng chí Võ Văn Tần chuyển sang làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo “Lao động” để tuyên truyền hướng dẫn giáo dục đảng viên và giác ngộ quyền lợi giai cấp cho quần chúng lao động.
Giữa năm 1933, đồng chí Võ Văn Tần đích thân liên lạc xuống Miền Tây, chỉ đạo việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Mỹ Tho, đồng thời, với tư cách là cán bộ Xứ ủy, Đồng chí đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo “Lao động” để tuyên truyền, giáo dục đảng viên và giác ngộ quyền lợi giai cấp cho quần chúng lao động. Từ năm 1933 đến năm 1934, đồng chí Võ Văn Tần dành nhiều công sức để liên lạc và tổ chức các hoạt động của Đảng giữa Liên tỉnh miền Đông và miền Tây, cũng như tham gia công việc xây dựng lại Xứ ủy Nam kỳ. Từ năm 1930 - 1935, đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí đảng viên trong Xứ ủy Nam kỳ đã khẳng định, minh chứng, tạo niềm tin cho quần chúng bằng những việc làm thiết thực đưa cách mạng Nam kỳ vượt qua thử thách khó khăn; khẳng định tinh thần, ý chí kiên cường, quả cảm, lòng trung thành vô hạn của những người cộng sản đối với quần chúng nhân dân.
Ngày 21-4-1940, do có kẻ khai báo, Võ Văn Tần bị địch bắt ở Hóc Môn và kết tội “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc bạo loạn ở Nam kỳ”. Trong lao tù chờ ngày lãnh án tử hình, dù bị địch tra tấn dã man, Võ Văn Tần luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất và khí tiết của người cộng sản.
Ngày 28-8-1941 (6-7-Tân Tỵ) Võ Văn Tần bị thực dân Pháp đem xử bắn cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta như: Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai,… tại mô bắn Hóc Môn. Trước khi đi xa, ông kịp dặn các đồng chí bằng những dòng chữ viết lên tường xà lim: “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng”. Võ Văn Tần luôn thể hiện khí phách yêu nước kiên cường, một nhân cách cộng sản sáng ngời, một tấm gương sáng của người lãnh đạo cho hậu thế soi chung.
* Đồng chí Võ Văn Tần với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng
Trong hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Tần không ngừng tự giác trong học tập và rèn luyện, trau dồi nâng cao kiến thức lý luận, thực tiễn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó.Đồng chí Võ Văn Tần có tác phong làm việc khoa học, sâu sát, bám sát thực tiễn và phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng; luôn tin tưởng, lạc quan vào con đường cách mạng của Đảng. Đồng chí luôn nhiệt tình, năng nổ, hết lòng vì nhiệm vụ, được quần chúng rất tin yêu; kiên quyết, khẳng khái bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, của đất nước; kiên định với lý tưởng cách mạng, sắt son niềm tin với Đảng, với Tổ quốc.
Suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, trên mọi cương vị công tác từ Bí thư Chi bộ, Bí thư Quận ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có những cống hiến sắc bén về tư duy và những định hướng lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí luôn nhận được những tình cảm trân trọng, quý mến, sự giúp đỡ vô tư, chí tình của đồng chí, đồng bào. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí; luôn quan tâm giáo dục, giúp đỡ cán bộ, đảng viên; luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết.
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt và vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Nam bộ, đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với 50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, Đồng chí đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời vì dân, vì nước.Với phương pháp, nguyên tắc và kinh nghiệm hoạt động bí mật; linh hoạt, sáng tạo và sâu sát với quần chúng; sự hiểu biết thực tiễn sâu sắc, tư duy sắc sảo và kiên định, đồng chí Võ Văn Tần đã gợi mở cho Đảng hình thành lên các hình thức tổ chức và hoạt động thích hợp trong quá trình lãnh đạo phong trào quần chúng rộng lớn chuẩn bị tới cao trào cách mạng 1939 - 1945.Ngày nay, tượng đài Võ Văn Tần được dựng tại quê hương ông (thị trấn Đức Hòa) Long An, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác có tên đường, tên trường mang tên ông - Võ Văn Tần. Năm 2014, ông được Bộ Chính trị kết luận là vị “Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đã giữ cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước trước năm 1945”.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (1891 – 2021) là dịp để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng toàn dân phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế