KỶ VẬT VÀ TẤM LÒNG
Cập nhật:30/08/2021 10:32:52 SA
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng nhưng ký ức về những năm tháng kháng chiến hào hùng và những đau thương, mất mát của dân tộc vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhớ về những người đã khuất. Mỗi kỷ vật đều gắn với một kỷ niệm một thời của các anh hùng liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tất cả đều mang đến những câu chuyện xúc động của tình quân dân trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Ông Hồ Viết Lễ
Ông Hồ Viết Lễ

Ký ức ngày trở về

       Ông Hồ Viết Lễ xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại thôn Mộc Trụ, xã Vinh Phú (nay là xã Phú Gia), huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xã Vinh Phú là xã vùng sâu của huyện Phú Vang, tiếp giáp với khu vực đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Xã Vinh Phú cũng là vùng đất có truyền thống yêu nước, cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là nơi cung cấp nhân tài và vật lực cho cuộc kháng chiến; là địa bàn hành lang bám trụ của huyện Phú Vang. Chính vị trí quan trọng như vậy nên xã Vinh Phú trở thành nơi diễn ra nhiều cuộc đấu tranh ác khốc liệt giữa ta và địch, cùng với sự hi sinh xương máu của quân và dân xã Vinh Phú nói riêng, huyện Phú Vang nói chung trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Chính truyền thống cách mạng ấy đã thôi thúc ông Hồ Viết Lễ gác bút nghiên, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1964.

Kỷ vật của một người Mẹ

        Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai, từ năm 1964, tại xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ra sức củng cố, xiết chặt quốc sách ấp chiến lược và trại tập trung để tăng cường kìm kẹp, đàn áp nhân dân, ngăn chặn phong trào cách mạng, phá chỗ dựa quan trọng của ta. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Huyện ủy Phú Vang đã đề ra nhiệm vụ: “Giành lại nông thôn, đồng bằng trong năm 1964 là nhiệm vụ hàng đầu có tính chất cấp bách của toàn Đảng bộ và quân, dân trong tỉnh.

        Chiếc hũ – kỷ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Mẹ Nguyễn Thị Luân thể hiện tấm lòng của người dân Việt Nam đối với cách mạng; trong đó có chồng của Mẹ (ông Hồ Viết Đô - nguyên Bí thư Chi bộ xã Phú Hậu, huyện Phú Vang) và ba người con trai của Mẹ (Hồ Viết Đống - cán bộ Công an huyện Phú Vang, Hồ Viết Lễ - Đội Trưởng Đội vũ trang Ban Kinh tế Khu ủy Trị Thiên đóng tại huyện Phú Vang, Hồ Viết Nghi - Phó Ban An ninh huyện Phú Vang). Chiếc hũ thể hiện tình cảm thắm thiết của tình quân dân trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc với một niềm tin son sắt về ngày đất nước giải phóng, non sông thống nhất. Biết chồng củaMẹ - từng tham gia cách mạng và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa đã nhiều lần bắt giam Mẹ; dùng mọi thủ đoạn “mị dân”. Từ dụ dỗ, mua chuộc đến dọa nạt; chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa từng giam giữ Mẹ ở nhiều nhà tù, nhà giam nhằm khuất phục ý chí cách mạng của Mẹ nhưng Mẹ Nguyễn Thị Luân vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng.

Nhớ lại bữa cơm ngày giải phóng

       Năm 1947, Mẹ Nguyễn Thị Luân tận mắt chứng kiến ông Hồ Viết Đô - chồng của Mẹ - đã ngã xuống trong một trận càn khủng bố của thực dân Pháp; lòng Mẹ đau như cắt. Từ đó, Mẹ quyết tâm nuôi các con khôn lớn để tiếp bước cha, tham gia cách mạng.Mẹ Nguyễn Thị Luân đã ba lần tiễn con ra đi vì đất nước nhưng chỉ có một người trở về. Con trai cả của Mẹ - Hồ Viết Đống hy sinh năm 1954; con trai út - Hồ Viết Nghi hy sinh năm 1972. Bao năm qua, Mẹ Nguyễn Thị Luân nén chặt nỗi đau mất chồng, mất con. Mỗi khi chiều xuống, Mẹ lần ra hàng cây dương,tay vịn vào thân cây, mong ngóng những người con trở về. Hình ảnh ấy đã khắc sâu vào trong lòng ông Hồ Viết Lễ và đồng đội mỗi lần hành quân bí mật qua quê nhà.

      Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế hoàn toàn được giải phóng. Trong bữa cơm đoàn viên bên Mẹ, ông Hồ Viết Lễ không kìm được nước mắt.“Một mâm cơm có 2 dĩa cá kho, tô canh để trước bàn thờ, 3 bát nhang của cha, anh và em đang cháy dở.”[5] – ông Hồ Viết Lễ bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc cầm chén cơm chan hòa với hai hàng nước mắt ngày đoàn viên. Hình ảnh người Mẹ với mái tóc bạc trắng theo sương gió và nước mắt hạnh phúc của Mẹ khi ngồi cạnh người con trai sau mười năm xa cách, mãi mãi chôn chặt trong lòng ông mỗi khi nhớ về Mẹ.

       Với những cống hiến, hi sinh to lớn của Mẹ Nguyễn Thị Luân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 17/12/1994, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và phong tặng Mẹ danh hiệu cao quý: Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Năm 2004, Mẹ Nguyễn Thị Luân qua đời, hưởng thọ 98 tuổi.Giờ đây, Mẹ Nguyễn Thị Luân không còn nữa nhưng khi nhìn kỷ vật chiếc hũ không còn nguyên vẹn theo thời gian, chúng ta càng thấm thía những cống hiến to lớn, thầm lặng của Mẹ đối với quê hương, đất nước. Chiếc hũ bình dị như in bóng hình của Mẹ Nguyễn Thị Luân; là một vật chứng lịch sử gửi gắm tình cảm thiêng liêng và niềm tin của Mẹ đối với Đảng, với cách mạng.

 

Cao Hoàng Ngọc Anh
 Bản in]

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác