Câu nói bất hủ của đồng chí Lý Tự Trọng - đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tiên: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác" đã trở thành lý tưởng sống mãnh liệt, thôi thúc bao lớp thanh niên Việt Nam giữ vững niềm tin, bản lĩnh, tích cực học tập, lao động, sáng tạo để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1. Khái quát về tiểu sử và con đường cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng
Đồng chí Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng (hay còn gọi là Lê Văn Trọng), sinh ngày 20/10/1914 tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Vương quốc Thái Lan[1]. Đồng chí Lý Tự Trọng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha của đồng chí là ông Lê Hữu Đạt, quê ở làng Kẻ Vẹt[2], huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mẹ của đồng chí là bà Nguyễn Thị Sờm, quê ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chính truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng quê hương đã góp phần bồi đắp lòng yêu quê hương, đất nước; thấu hiểu được nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến trong lòng đồng chí Lý Tự Trọng. Ngay từ khi còn nhỏ, người thiếu niên Lê Hữu Trọng đã được gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà yêu nước trong “Quang phục quân”[3] và học tập tại trường do Việt Nam Quang phục Hội thành lập tại Bản Mạy. Thời gian học tập ở tại trường, đồng chí đã bộc lộ là một thiếu niên chăm chỉ, ham học hỏi, mong muốn lớn lên đóng góp cho quê hương, đất nước.
Năm 1925, bước ngoặt cuộc đời người thiếu niên Lê Hữu Trọng là được lựa chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập và được đồng chí Lý Thuỵ (tức đồng chí Nguyễn Ái Quốc) đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”. Ngay từ khi gặp mặt, đồng chí Lý Thuỵ đã nhận ra tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, tích cực rèn luyện và có ý thức tổ chức kỷ luật của học viên nhỏ tuổi Lê Hữu Trọng. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn ở Quảng Châu, người thiếu niên Lê Hữu Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu; đồng thời tổ chức việc chuyển thư, tài liệu của Đảng về nước. Để đảm bảo cho việc hoạt động bí mật của nhóm, tất cả các thành viên trong nhóm đều được thay đổi sang họ Lý (cùng họ với đồng chí Lý Thụy). Đồng chí Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng.
Sau thời gian hăng say học tập, nghiên cứu và hoạt động tại nước ngoài, giữa năm 1929, trước sự phát triển của cách mạng, đồng chí Lý Tự Trọng trở về nước hoạt động với bí danh Nguyễn Huy. Năm 1930, khi Trung ương Đảng chuyển trụ sở về Sài Gòn, đồng chí Lý Tự Trọng được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản. Ngày 26/3/1931, Đoàn Thanh niên cộng sản được thành lập. Đồng chí Lý Tự Trọng trở thành đoàn viên đầu tiên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và được giao nhiệm vụ tuyên truyền và tổ chức hoạt động cho Đoàn.
Vào ngày 08/02/1931, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức buổi tuyên truyền nhằm kêu gọi liên minh công - nông, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm. Đồng chí Lý Tự Trọng có nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Phan Bôi - phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy Nam Kỳ. Trong quá trình đồng chí Phan Bôi đang diễn thuyết trước công chúng, bọn cảnh sát bất ngờ ập đến, tên mật thám Legrand xông đến, tính bắt giữ đồng chí Phan Bôi. Để cứu đồng chí Phan Bôi, đồng chí Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên mật thám Legrand. Sự kiện này đã khiến thực dân Pháp kinh ngạc, ra sức truy lùng và bắt sống được đồng chí. Đồng chí Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp tra tấn và giam giữ lần lượt tại bốt Catinat và Khám lớn Sài Gòn. Sau thời gian giam giữ, tra tấn không thu được kết quả, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xét xử và kết án tử hình một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 17 tuổi. Ngay trước tòa án, đồng chí Lý Tự Trọng đã dũng cảm, biến phiên tòa trở thành diễn đàn đấu tranh, kêu gọi Nhân dân anh dũng đứng lên giải phóng dân tộc với câu nói bất hủ: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác". Câu nói đầy khí phách của đồng chí Lý Tự Trọng như một tiếng chuông ngân vang khắp miền quê đất nước, làm chấn động dư luận lúc bấy giờ. Người thanh niên nhỏ tuổi ấy đã truyền thêm lửa, tiếp thêm máu cho triệu triệu trái tim người Việt Nam yêu nước và trở thành tuyên ngôn của tuổi trẻ Việt Nam.
Trong những ngày cuối cùng ở trong xà lim, đồng chí Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Rạng sáng ngày 21/11/1931[1], bọn cai ngục lặng lẽ đưa máy chém đến sát cửa Khám lớn Sài Gòn để bí mật xử chém đồng chí Lý Tự trọng. Lúc này, tinh thần cách mạng bất khuất của đồng chí Lý Tự Trọng đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của hàng nghìn tù nhân nhằm phản đối việc xử tử đồng chí khiến bọn cai ngục vô cùng khiếp sợ. Trong những giây phút cuối cùng, đồng chí Lý Tự Trọng vẫn bình tĩnh và miệng hô lớn: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Việt Nam, Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!” như lời nhắn gửi cuối cùng của đồng chí gửi lại cho đồng bào, đồng chí.
2. Tinh thần cách mạng và chí khí anh hùng của đồng chí Lý Tự Trọng trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo
Cuộc đời của đồng chí Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng tinh thần cách mạng của người thanh niên kiên cường trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo. Tinh thần cách mạng và chí khí anh hùng người thanh niên Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng sáng ngời, thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ thanh niên Việt Nam. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng luôn noi gương tinh thần bất khuất và con đường cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng, ra sức đoàn kết một lòng, góp phần làm nên thành công của hai cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất đất nước. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lớp lớp thanh niên đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước với những chiến công xuất sắc như: đồng chí Nguyễn Viết Phong - “Lá cờ đầu diệt Mỹ tại Trị Thiên Huế” năm 1965; Tiểu đội 11 cô gái sông Hương dũng cảm chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968,... Nhiều tấm gương tuổi trẻ đã chiến đấu kiên cường và hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc, tiêu biểu như: anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Võ Thị Sáu, Phạm Thị Liên,... đã chiến đấu bảo vệ quê hương đến hơi thở cuối cùng. Tất cả đều mang trong mình bao ước mơ, hoài bão tươi đẹp, tình yêu cuộc sống và khát khao được cống hiến, chiến đấu, sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Hòa bình lập lại, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với bao thời cơ và thách thức nhưng con đường cách mạng của các thế hệ tiền bối và đồng chí Lý Tự Trọng đã và đang soi đường, dẫn lối cho thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp bước truyền thống đấu tranh anh hùng ấy, cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế ra sức thi đua học tập, lao động; luôn xung kích, tình nguyện, đi đầu trên mọi lĩnh vực; góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp thông qua các phong trào tình nguyên đầy ý nghĩa, tiêu biểu là phong trào “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”[1]. Trải qua 25 năm triển khai (2000-2024), phong trào “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè” của tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều thành quả như: xây dựng 1.552 tuyến đường “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn” ; sửa chữa, lắp đặt mới 1.601,5 km đường điện chiếu sáng, 2.468,2 km đường giao thông nông thôn; duy trì 365 mô hình “Tuyến đường thanh niên đẹp”, 232 “Tuyến phố thanh niên xanh, sạch, đẹp”, 211 “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”; tổ chức 65.885 đợt ra quân vệ sinh môi trường; thu gom 45.512 tấn rác thải các loại; xóa bỏ 1.044 điểm đen về môi trường; xây dựng 709 Nhà Nhân ái; tổ chức 751 đợt hiến máu tình nguyện; tổ chức 2.245 đợt khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; trao tặng 102.699 xe đạp, 1.751.299 suất học bổng cho các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.[2] Đặc biệt, Đoàn viên thanh niên còn là lực lượng đi đầu, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ; góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2024), tự hào về con đường cách mạng và chí khí anh hùng của đồng chí Lý Tự Trọng, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế hôm nay đã và đang kế tục xứng đáng, nỗ lực hết mình viết tiếp trang sử của thế hệ cha anh đi trước; luôn luôn là lực lượng xung kích; tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; góp phần quan trọng vào trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
[1] Phong trào được thành lập vào năm 2000 với tên gọi là “Chiến dịch Mùa hè học sinh - sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”. Đến năm 2009, phong trào được đổi tên thành “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”
[2] Số liệu dẫn theo trang https://thuathienhue.gov.vn/Tin-tuc-su-kien/tid/Tuyen-duong-cac-tap-the-va-ca-nhan-co-thanh-tich-xuat-sac-trong-phong-trao-25-nam-thanh-nien-tinh-nguyen-He
[1] Một số tài liệu, bài bào khác còn cho rằng đồng chí Lý Tự Trọng bị xử tử hình vào rạng sáng ngày 20/11/1931
[1] Nay là Bản Na Chok, xã Nong Yat, huyện Mueang NakhonPhanom, Vương quốc Thái Lan
[2] Nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
[3] Lực lượng vũ trang của Việt Nam Quang phục Hội do cụ Phan Bội Châu sáng lập vào năm 1912