LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH VÀ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH TRỤ SỞ TÒA SOẠN BÁO TIẾNG DÂN
Cập nhật:02/05/2019 4:24:26 CH
Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019). Sáng ngày 26/4/2019 tại di tích lịch sử Trụ sở tòa soạn Báo Tiếng Dân, số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Phú Hòa, thành phố Huế. Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh Trụ sở Tòa soạn Báo Tiếng Dân

Đến tham dự Lễ công bố Quyết định và trao bằng xếp hạng di tích có đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành phố, chính quyền và nhân dân địa phương...

Trụ sở Tòa soạn Báo Tiếng Dân gắn liền với những hoạt động của nhà chí yêu nước Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân, tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung. Mặc dù ra đời muộn hơn so với báo chí ở miền Nam và miền Bắc, song báo Tiếng Dân đã có vai trò to lớn trong việc công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ.

Nhận thấy nhu cầu cấp thiết của xã hội là cần có một tờ báo đại diện tiếng nói của người dân lao động để lên án những áp bức, bất công trong xã hội, sau thời gian suy nghĩ cụ Huỳnh Thúc Kháng quyết định lập ra tờ báo Tiếng Dân, lấy báo chí làm phương tiện đấu tranh, phục vụ quảng đại quần chúng, nhất là người lao động bị áp bức, bóc lột. Lúc đầu Cụ Huỳnh định đặt tên là báo “Trung Thanh”, tức tiếng nói của Trung Kỳ, có người đề nghị lấy tên là “Dân Thanh”, Cụ Huỳnh còn phân vân nên tìm đến ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự tham khảo ý kiến của cụ Phan Bội Châu và được Cụ Phan góp ý: “ Đã là báo quốc văn thì đặt tên theo tiếng mẹ đẻ là phải, cứ gọi là Tiếng Dân”. Ngay trong hai từ “Tiếng Dân” cũng đã nói lên được tôn chỉ  đúng  đắn, đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đó cũng là tâm tư, ước vọng của nhiều trí thức yêu nước lúc bấy giờ. Chính vì vậy, sau khi ra đời, báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận được sự hợp tác của nhiều cây bút danh tiếng như Sào Nam ( Phan Bội Châu), Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh, Lạc Nhân (Nguyễn Quý Hương)…

Để tờ báo được phép hoạt động công khai, hợp pháp cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đích thân từ Quảng Nam ra Huế (đến Tòa Khâm sứ Trung Kỳ) gửi đơn trình bày xin phép thành lập tờ báo và được Toàn quyền Đông Dương Pasquier ký Quyết định cho phép thành lập tờ báo Tiếng Dân ngày 12/02/1927, nhưng với điều kiện Trụ sở tòa soạn phải đóng ở Huế. Để có địa điểm đặt tòa soạn, Cụ Huỳnh đã giao nhiệm vụ cho ông Trần Đình Phiên ra Huế tìm nơi làm trụ sở, đồng thời cũng là nơi in báo. Sau một thời gian  ông Trần Đình Phiên đã thuê được một ngôi nhà ở địa chỉ số 123 đường Đông Ba, phố Hàng Bè (nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng). Từ đây, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sỹ xứ Quảng trở thành nhân vật nổi tiếng của đất thần kinh, vừa là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (nhiệm kỳ 1926-1928) vừa là Quản lý điều hành Công ty in Huỳnh Thúc Kháng và Chủ nhiệm kiêm Chủ bút một tờ báo lớn, báo Tiếng Dân.

Số đầu tiên của báo Tiếng Dân ra đời 10/8/1927. Trải qua 17 năm hoạt động (1927 - 1943), báo Tiếng Dân đã ra 1.766 số và đã có ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội ở miền Trung và cả nước. Với sự cộng tác của nhiều nhà trí thức có tinh thần dân tộc như Đào Duy Anh, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu...

Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, nơi ghi dấu sự ra đời và tồn tại của một tờ báo cách mạng. Báo “Tiếng Dân”, tờ báo tiêu biểu, đại diện cho mặt trận báo chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Ngày 04/6/2018, Trụ sở Tòa soạn báo Tiếng Dân đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 1225/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp Tỉnh. Lễ công bố Quyết định và trao bằng xếp hạng di tích cấp Tỉnh Trụ sở Tòa soạn báo Tiếng Dân, một lần nữa khẳng định vị thế của tờ báo Tiếng Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá tuyên truyền, phát huy giá trị di tích, làm nơi tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

 Bản in]

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác