Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Tổ quốc là máu xương, độc lập tự do là ý chí và khát vọng từ ngàn đời của bao thế hệ nối tiếp nhau.
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời…”
Câu thơ đó như một lời tuyên ngôn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta từ ngàn xưa. Bằng mồ hôi, công sức và xương máu của bao đời nay, các thế hệ người Việt Nam đã xác lập quản lý và bảo vệ vững chắc chủ chủ quyền lãnh thổ, trong đó có biển Đông và Trường Sa, Hoàng Sa là hai quần đảo lớn nằm trong nằm trong lãnh hải nước ta.
Qua các tư liệu, thư tịch cổ để lại cho thấy từ xa xưa các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập chủ quyền một cách liên tục trên hai quần đảo này.
Thừa Thiên Huế là tỉnh ven biển thuộc khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 120km. Bên cạnh đó, tỉnh có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai diện tích khoảng 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Xuất phát từ vị trí chiến lược của vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và biển Đông nói chung; để nâng cao công tác quản lý và sử dụng tài nguyên môi trường biển, đảo và đầm phá một cách hiệu quả, bền vững và để phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn có; thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị ở Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về biển, đảo, đầm phá với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Bảo tồn, phát triển kinh tế biển cũng chính là cách để góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc thiêng liêng.
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết:
“…Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam!
Qua bao năm thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng
Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương…”
Biển đã đi vào lòng người dân Việt Nam như thế, biển thân thuộc như những câu thơ, bài hát và trở thành máu thịt, một phần không thể tách rời đối với người dân đất Việt. Vì vậy, việc tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về những cứ liệu lịch sử, những ghi nhận, đánh giá của các tổ chức và nhân dân trên thế giới về biển, đảo quê hương là một vấn đề cần thiết.