Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6 km về hướng Tây Nam, tọa lạc ở núi Thiên Thai, phường An Tây, Tp Huế. Khu di tích Chứng tích lịch sử Chín Hầm được biết đến như “Địa ngục trần gian”.
Toàn cảnh Đền tưởng niệm tại Khu Di tích Chứng tích Lịch sử Chín Hầm
Toàn cảnh Đền tưởng niệm tại Khu Di tích Chứng tích Lịch sử Chín Hầm

Sự hình thành của Khu Chín Hầm, nguyên trước trước đây được Thực dân Pháp xây dựng vào năm 1941 để làm nơi cất giấu vũ khí. Khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945 quân đội Nhật đã tịch thu những kho vũ khí này và để lại các căn hầm trống rỗng. Sau khi Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai vào ngày 23/9/1945, chúng sử dụng các hầm để làm nơi giam giữ tù binh chủ yếu là những chiến sĩ Việt Minh. Mãi đến sau năm 1954 sau hiệp định Giơnevơ, đất nước chúng ta tạm thời bị chia đôi. Ở miền Nam Việt Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm, em trai của Diệm là Ngô Đình Cẩn lãnh chúa miền Trung, đã cho cải tạo lại khu Chín Hầm trở thành hệ thống nhà tù đặc biệt, một số căn hầm được phân chia bên trong thành những ô xà lim kết cấu theo kiểu chuồng cọp để biệt giam các chiến sĩ Cộng sản và đồng bào yêu nước, trong đó có đủ mọi tầng lớp Nhân dân như trí thức, thương gia, tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, tu sĩ Phật giáo và Đảng phái chính trị đối lập…

          Ngày 1/11/1963 phe đảo chính đứng đầu là Trung tướng Dương Văn Minh được sự hậu thuẩn của Mỹ đã làm cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài họ Ngô. Tổng thống Diệm và em trai là cố vấn Ngô Đình Nhu bị phe đảo chính sát hại tại Sài Gòn. Sau đó phe đảo chính thành lập Hội đồng quân nhân cách mạng gồm các tướng lãnh, trong đó có tướng Đỗ Cao Trí. Hai ngày sau 3/ 11/1961 tướng Trí được lệnh từ Đà Nẵng ra Huế bắt Ngô Đình Cẩn lãnh chúa miền Trung và kéo lên khu Chín Hầm đập phá một phần, chủ yếu là các cửa hầm để giải cứu tù nhân. Sau này lợi dụng không có sự quản lý của chính quyền, một số người dân địa phương đã lên đập phá để lấy Sắt.

          Mãi đến năm 1993 khu Chín Hầm mới được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Chứng tích lịch sử Quốc gia theo quyết định số 2015/VH-QĐ ngày 16/12/1993. Năm 2006 khu di tích Chín Hầm được trùng tu, phục dựng lại. Đồng thời xây dựng thêm một số công trình bổ trợ cho khu di tích như Đền Tưởng niệm, Bia Tổ quốc ghi công, Tượng Đài, Hồ nước, nhà Tả, Hữu vu, Bia Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đường dẫn đến các căn hầm…Đặc biệt phục dựng lại căn hầm số 8, một trong những căn hầm tiêu biểu nhất tại khu Chín Hầm, là nơi giam giữ các chiến sĩ cộng sản và tình báo, trong đó có Đại tá Nguyễn Minh Vân (Nguyễn Dân Trung) là một nhân chứng sống, đã tố cáo tội ác của Ngô Đình Cẩn tại khu Chín Hầm với 3000 câu thơ hết sức xúc động:

“ Các anh, những người Hầm của thế kỷ hai mươi

Như người cổ sơ trần trụi giữa hang dơi

Các anh ở giữa hai thước chuồng lạnh hơn hốc đá

Ngày thiếu ánh mặt trời, đêm không ánh lữa

Các anh thở rặt mùi phân nằm trên ván trét bùn

Đánh nhau với chuột bạn cùng dế giun

Các anh ăn, cơm sống trộn dầu hôi mắm tanh mùi thịt rữa

Các anh uống nước khe nước lã

Quần áo anh là giẻ rách tả tơi

Lộ rõ hình tù bụng hở lưng phơi

Tấm thân gầy nghìn ngày không tắm rữa…”

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang đứng, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Đoàn cựu chiến binh đến tham quan Khu Chứng tích Lịch sử Chín Hầm

Ảnh – Ngọc Kiêm

Chín Hầm nơi tham quan học tập của Học sinh, Sinh viên

Ảnh – Ngọc Kiêm

Phút tưởng niệm trước Bia Tổ Quốc ghi công tại Khu Chứng tích Chín Hầm

Ảnh – Ngọc Kiêm

          Ngày nay, khu Di tích Chứng tích lịch sử Chín Hầm được Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị quản lý, mà trực tiếp là Bảo tàng lịch sử tỉnh. Với kinh nghiệm và chuyên môn hóa về quản lý Di tích, khu Di tích Chứng tích Lịch sử Chín Hầm đã phát huy tốt, trở thành một địa chỉ đỏ, là nơi tham quan học tập, giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí đấu tranh cách mạng cho các thế hệ.

 Bản in]
Các bài khác
     

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác