KHẢO CỔ HỌC DƯỚI NƯỚC
Cập nhật:23/11/2021 8:02:37 SA
Nhân Kỷ niệm 16 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2021) (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 36/2005/QĐ-TTg ngày 24/02/2005 về ngày Di sản Việt Nam), Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức trưng bày chuyên đề “Khảo cổ học dưới nước” (Đây là những cổ vật, hiện vật tiêu biểu qua các đợt phát hiện, sưu tầm và hiến tặng của Bảo tàng Lịch sử trong thời gian qua) tại không gian Di Luân Đường, Quốc Tử Giám (số 01 đường 23 tháng 8, Huế). Đây là hoạt động thiết thực, nhiều ý nghĩa nhằm tri ân những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn bảo tàng, những nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm đã có những đóng góp quý báu vào công tác sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị các hiện cổ vật trong suốt những năm qua.

          Khảo cổ học dưới nước được xem là lĩnh vực mới đối với ngành Khảo cổ học Việt Nam. Nghiên cứu và trưng bày về các hiện vật được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước giúp cho các nhà nghiên cứu và khách tham quan có một cách nhìn nhận, đánh giá tầm quan trọng của di sản đó. Đồng thời, từ đó tôn vinh, bảo tồn và phát huy nguồn di sản quý hiếm này.

          Vào khoảng thế kỷ XV là thời kỳ bùng nổ giao thương quốc tế qua vùng biển Việt Nam, những cảng thị sơ khai dần dần trở thành một điểm sinh hoạt kinh tế - văn hóa của cư dân trong nước. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế - một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, Thừa Thiên Huế còn bảo lưu nhiều di sản mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Trải qua hơn 700 năm hình thành và phát triển, từ thủ phủ của xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn, kinh đô của đất nước dưới thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, nay là Cố đô của Việt Nam, Thừa Thiên Huế còn bảo lưu nhiều di sản mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.Đó chính là những yếu tố cơ bản, là tiền đề quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng thành một trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực. Thông qua những cổ vật được phát hiện dưới nước giúp chúng ta hiểu thêm về quan hệ giao thương quốc tế trên biển và giao thương đường thủy nội địa ở nước ta, đặc biệt là tầm quan trọng của Việt Nam với con đường tơ lụa trên biển Đông.

       Đặc biệt, cùng gặp nhau ở niềm đam mê sưu tầm cổ vật, mong muốn lưu giữ các cổ vật cũng như những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại, các nhà sưu tầm cổ vật ở Thừa Thiên Huế cũng như trong cả nước đã hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử những hiện vật có giá trị.

      Với chuyên đề Khảo cổ học dưới nước”, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trưng bày gần 150 hiện vật và hình ảnh. Số hiện vật này là sản phẩm, kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước chủ yếu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua và những hiện vật khảo cổ học dưới nước do các nhà sưu tầm cổ vật hiến tặng cho bảo tàng.

      Toàn bộ nội dung trưng bày tập trung vào 03 chủ đề:

Chủ đề 1. Nhóm hiện vật khảo cổ học phát hiện tại các vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế.

1. Nhóm hiện vật phát hiện tại cửa biển Thuận An, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là phường Thuận An, thành phố Huế)

2. Súng thần công

3. Mỏ neo

4. Nhóm hiện vật phát hiện tại vùng biển thuộc xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

Chủ đề 2.Nhóm hiện vật khảo cổ học phát hiện tại các dòng sông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

1. Nhóm hiện vật khảo cổ học phát hiện tại sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế

2. Thuyền Độc mộc

3. Nhóm hiện vật khảo cổ học được phát hiện tại sông Ô Lâu, tỉnh Thừa Thiên Huế (gốm Phước Tích)

Chủ đề 3. Nhóm hiện vật gốm Chu Đậu do nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh, tỉnh Quảng Ngãi sưu tầm được tại vùng biển miền Trung Việt Nam (kèm video hiện vật)

Hi vọng với nội dung trưng bày sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu và du khách đến Huế có thêm thông tin, có điều kiện thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng những cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

 

Lê Thị Mai An
 Bản in]

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác