Tố Hữu là nhà thơ cách mạng nổi tiếng Việt Nam ở thế kỷ XX. Những tác phẩm của nhà thơ là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Vào tháng 8 năm 1945, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Huế tháng Tám” để ghi dấu sự kiện lịch sử cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một bài thơ có nhiều giá trị lịch sử, phản ánh một trong những thắng lợi quan trọng nhất của Đảng và Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Vào mùa Thu năm 1945, Đảng ta vừa tròn mười lăm tuổi nhưng đã nhận thức rõ tính chất quyết định của cách mạng và nắm bắt thời cơ khởi nghĩa: Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, hàng ngũ quân đội Nhật ở Đông Dương chia rẽ và tan rã. Lúc bấy giờ, nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ “Huế tháng Tám” vào thời điểm sau khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp (ngày 09/3/1945). Ngày 11/3/1945, theo lệnh Nhật, vua Bảo Đại đã ra tuyên bố “Việt Nam độc lập” và xác lập quan hệ với chính phủ Nhật Bản để xây dựng “Khối thịnh vượng chung đại Đông Á”. Ngày 17/3/1945, phát xít Nhật thành lập chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Vì vậy, ở phần mở đầu bài thơ, nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện sự chuyển giao quyền lực hết sức phức tạp tại Huế vào đêm quan trọng đó (đêm 09/3/1945).
Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác,
Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau
Chân nôn nao như khách đợi mong tàu
Bước dò bước, không biết sau hay trước.
Sự chuyển giao quyền lực phức tạp lúc bấy giờ cũng tạo ra cơ hội cho cách mạng Việt Nam. Đúng như tiên lượng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp tại Tân Trào (từ ngày 13/8 đến 15/8/1945) đã chuẩn bị hoàn thiện về các đường lối, phương châm tác chiến và lực lượng để huy động quần chúng Nhân dân khởi nghĩa từng phần và phát động cuộc kháng Nhật trên toàn quốc. Các căn cứ và khu giải phóng địa được lập ra trong cả nước, quân đội cách mạng đã được phát triển và lan rộng, các “đội tự vệ” đã được thành lập, nhanh chóng chuyển từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ở Thừa Thiên Huế, cũng như các thành phố khác trong cả nước, ngọn lửa yêu nước và cách mạng bốc cao chưa từng thấy trong các tầng lớp Nhân dân khiến chính quyền bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim vốn đã rệu rã, nay càng tê liệt.
Sau khi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, khí thế cách mạng của Nhân dân cả nước và người dân Huế đang hừng hực, mong chờ một sự chuyển mình thắng lợi. Chỉ đợi hiệu lệnh của Trung ương Đảng, cả dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng nhất tề nổi dậy giành chính quyền. Khí thế trước giờ phút cách mạng ấy được nhà thơ Tố Hữu miêu tả bằng những câu hỏi tu từ hấp dẫn, hình ảnh tượng hình độc đáo thể hiện sự biến chuyển tâm trạng của con người, của người dân Huế. Đó là quyết tâm của người dân Huế đang chờ đón cách mạng và mong muốn đấu tranh cách mạng.
Ai đang về? Dáng đó thấp hay cao?
Mắt đỏ lòe, như lửa hay như sao?
Người hay bóng? Ngoài vào hay trong tới?
Giáng từ trên hay là vươn từ dưới?
Huế ngây thơ, lo lắng, những tâm linh
Khát khao hoài. Trinh nữ ấy đang rình
Sau cửa hé, người yêu chưa biết mặt…
Ðọc bài thơ "Huế tháng tám" trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng ta mới có cảm giác như lịch sử đã thức dậy sau 78 năm ngủ yên. Ngày 16/8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ”[1], từ ngày 18/8 đến ngày 22/8/1945, tại các xã, huyện trên khắp toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, quần chúng Nhân dân hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Khắp các đường phố trong nội thành Huế, các đoàn biểu tình của quần chúng Nhân dân diễn ra mạnh mẽ và chiếm giữ các cơ quan công sở, doanh trại lính bảo an. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên cơ xưởng hỏa xa Huế, trường Kỹ nghệ thực hành, Sở Công chánh Trung kỳ,… Giờ đây, không khí cách mạng đã tràn ngập khắp phố phường và kinh thành Huế. Vì vậy, nhịp thơ Tố Hữu cũng dần chuyển sang cao trào sử thi sánh cùng với cao trào cách mạng bằng những câu thơ đầy chất tráng ca.
Hãy mở mắt: Quanh hoàng cung biển lửa
Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao
Mở mắt trông: Trời đất bốn phương chào
Một dân tộc đã ào ào đứng dậy!
Nhà thơ Tố Hữu là người con của Huế, cũng là người trực tiếp chỉ huy phong trào cách mạng tại Huế trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tại Thừa Thiên Huế. Đúng 16 giờ chiều ngày 23/8/1945, trước biển người và rừng cờ đỏ sao vàng, hòa cùng với tiếng hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, tại Sân vận động Huế, nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt Nhân dân, đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố từ nay chính quyền thuộc về tay Nhân dân Việt Nam. Đồng thời, tại buổi lễ, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế đã được thành lập do đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch. Trong thời khắc lịch sử ấy, nhà thơTố Hữu dường như đóng hai vai: người tham gia lịch sử và người ghi chép lịch sử; đã thể hiện khí thế và tinh thần người Huế xuyên suốt cuộc cách mạng tháng Tám. Vì vậy, bài thơ “Huế tháng Tám” ra đời như một vật chứng lịch sử, vừa mang tính sử thi vừa mang đậm chất Huế của nhà thơ Tố Hữu.
Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi
Cổ ta réo trăm trận cười, trận khóc!
Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả hê chưa, ai dám bịt mồm ta?
Ta hát huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh?
Ngực lép suốt bao năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Cảm hứng sử thi ở đoạn cuối bài thơ “Huế tháng Tám” được xem là phần hay nhất của bài thơ. Những câu thơ cuối là lời reo mừng, phấn khởi của nhà thơ Tố Hữu nói riêng và của hàng vạn, hàng ngàn người dân Việt Nam nói chung trong thời khắc lịch sử. Chất lãng mạn cách mạng, chất trẻ trung của chàng thanh niên 25 tuổi Tố Hữu đã bộc lộ một cách rất tự nhiên, sôi nổi nhằm diễn tả được hết niềm vui cách mạng thành công hơn bao giờ hết. Chỉ với những dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu, chúng ta như được quay ngược thời gian, được cùng trải qua những giờ phút huy hoàng và cảm nhận được tiếng reo vui người dân Huế, người dân Việt Nam trong tháng Tám lịch sử.
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ
Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi!
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
Từ những âm điệu bâng khuâng, băn khoăn lúc mở đầu cho đến sự quyết tâm, hừng hực khí thế cách mạng ở đoạn giữa, phần kết thúc bài thơ “Huế tháng Tám” là một tiếng reo vui vỡ òa của người dân trước thắng lợi vô cùng to lớn. Lúc này, từng câu thơ đã thể hiện khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc tột đỉnh của dân tộc Việt Nam. Lời hô khẩu hiệu đầy khí thế, thăng hoa như lời tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!”.
Nhà thơ Tố Hữu đặt tên bài thơ “Huế tháng Tám” mang hàm ý không chỉ gắn với một thời điểm cụ thể (tháng Tám), địa điểm cụ thể mà còn đánh dấu khoảnh khắc bất tử và vĩnh hằng của lịch sử của cả dân tộc. Thành công của Cách mạng tháng Tám tại Thừa Thiên Huế là tiền đề quan trọng cho sự thành công của cách mạng trong cả nước. Từ thắng lợi ấy, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam đã đập tan ách phát xít Nhật, lập đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm và mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bài thơ “Huế tháng tám” đã thể hiện rõ nét niềm vui của một dân tộc nên hoàn toàn xứng đáng là một bài thơ lịch sử của nền thi ca cách mạng nói riêng và thi ca dân tộc nói chung.
Bảy mươi tám năm đã trôi qua, thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã giải quyết vấn đề dân tộc, vấn đề giai cấp triệt để; vừa chống thực dân, vừa chống phát xít và các đảng phái tay sai. Với những ý nghĩa lịch sử ấy, cho đến nay, bài thơ “Huế tháng Tám”vẫn là thi phẩm sử thi vừa mang tính chiến đấu, vừa đậm chất trữ tình, lãng mạn về cách mạng của nhà thơ Tố Hữu. Đây cũng là một tượng đài cách mạng được thể hiện bằng thơ đã khắc sâu vào trí nhớ của Nhân dân Việt Nam và ghi nhận những đóng góp lớn của nhà thơ Tố Hữu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 596