QUÂN VÀ NHÂN DÂN THỪA THIÊN RA SỨC THI ĐUA LẬP CHIẾN CÔNG, PHỐI HỢP CHẶT CHẼ VỚI CHIẾN TRƯỜNG ĐIỆN BIÊN PHỦ NĂM 1954
Cập nhật:07/05/2021 10:07:27 SA
Năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quân và nhân dân cả nước ta đã vượt qua mọi khó khăn thách thức, lập nên nhiều chiến công hiển hách để đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Trong đó, quân và dân Thừa Thiên đã ra sức lập nhiều chiến công, phối hợp chặt chẽ với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ ở núi rừng Tây Bắc thời điểm lúc bấy giờ, đó là mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng thời làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh đến phong trào đầu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

            Giữa năm 1953, Chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương nhằm tìm biện pháp mới nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh buộc ta phải chấp nhận thương lượng theo những điều kiện của Pháp và một mặt cầu cứu viện trợ Mỹ. Ngày 24-7-1953, Navarre đã đệ trình trước Hội đồng quốc phòng Pháp chương trình hành động, theo đó, trong Đông Xuân 1953 - 1954, Pháp giữ thế phòng ngự chiến lược, tránh đụng độ với ta ở chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược ở Nam Bộ, về sau sẽ tập trung quân thực hiện tiến công chiến lược ở chiến trường Bắc Bộ, giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh.

            Đối với chiến trường Bình - Trị - Thiên, thực dân Pháp tập trung củng cố các vị trí chiếm đóng, tổ chức các cuộc càn quét nhằm bình định vùng đồng bằng, đánh phá dữ dội xuống các khu căn cứ của ta, dồn dân lập vành đai trắng, tăng cường đôn quân, bắt lính, xây dựng nguỵ quân để thay thế cho tiểu đoàn Âu - Phi được điều ra chiến trường Bắc Bộ.

            Ngày 19-10-1953, tại chiến khu Dương Hòa, Tỉnh ủy mở Hội nghị cán bộ chính trị nhằm quán triệt tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị, cụ thể hóa tinh thần đó sát với tình hình địa phương, đẩy mạnh tiến công liên tục, tiêu diệt, kim chân địch, không cho chúng rãnh tay đối phó với chiến trường chính; tích cực đấu tranh chính trị kết hợp với diệt ác phá tề, phá thế kìm kẹp, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng kháng chiến toàn dân, toàn diện. Sau khi nắm vững tình hình của các chiến trường cũng như những chủ trương mới của Bộ Chính trị, Liên Khu ủy về việc thực hiện các biện pháp đấu tranh chính trị và quân sự. Vào tháng 3 năm 1954, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã có chủ trương phát động tháng thi đua đẩy mạnh hoạt động đấu tranh về chính trị và quân sự để phối hợp chiến trường Điện Biên Phủ. Từ đó, toàn tỉnh đã có một sự chuyển hướng theo tinh thần mới, nhận thức rõ hơn về sơ hở và điểm yếu của địch, nhất là vấn đề tinh thần của quân địch đã xuống dốc nghiêm trọng do thất bại liên tiếp trên nhiều chiến trường,quân và dân toàn tỉnh Thừa Thiên đã đẩy mạnh đấu tranh và có được nhiều thành tích ban đầu.

          Về hoạt động quân sự sau khi phát động chủ trương, quân và dân Thừa Thiên từ ngày 20/3 đến ngày 20/4/1954 đã đánh hơn 50 trận lớn nhỏ, trong đó có 3 lần đánh tàu chở hàng của địch (2 trận ở Hương Thủy, 1 trận ở Phú Lộc), phá hỏng 3 đầu máy, 16 toa, tiêu diệt hơn 3 đại đội quân địch; phá sập hơn 10 cây cầu buộc địch phải vận chuyển bằng máy bay. Tổ chức nhiều trận tập kích tiêu diệt được 15 lô cốt, nhiều vị trí chỉ huy tiểu đoàn của địch, có những vị trí sát với thị xã như An Hòa, Long Thọ hoặc sâu trong vùng trạm chiếm như Hà Thanh, Hà Châu… [3; tr. 2-3] Bộ đội địa phương Phú Lộc tập kích địch ở Hói Mít, Hói Cạn, Hói Cam gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề và ngày càng thêm hoang mang, khủng hoảng về tâm lý [1; tr. 364].

             Trên mặt trận chống càn quét của quân địch, quân và dân Thừa Thiên cũng đã thu nhiều kết quả tích cực khi lực lượng bộ đội địa phương và Quân giải phóng liên tiếp giành được những thắng lợi như trận ở Quảng Thái đã bắt được tù binh và thu được nhiều vũ khí, có nhiều địa phương ở Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền đã tổ chức đánh địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thu hoạch mùa màng.

            Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1954 ở Thừa Thiên, Tỉnh ủy đã có hội nghị tiếp thu nhận định và nhiệm vụ đối với Hội nghị Genève, thi hành các chỉ thị về công tác tạm chiếm của Trung ương, các kế hoạch ngụy vận chống bắt lính của Trung ương, và Liên khu ủy, tiếp đến là việc phái đoàn của ta đi dự Hội nghị Genève và quan trọng nhất là sau tin thắng lợi vĩ đại liên tiếp từ mặt trận Điện Biên Phủ đã trở thành nguồn động lực lớn lao cho phong trào cách mạng ở Thừa Thiên có nhiều bước chuyển mới, tạo sự liên kết chặt chẽ với chiến trường Điện Biên Phủ cũng như cả nước [4; tr. 2-3].

             Ngày 28 tháng 4 năm 1954, quân và dân Thừa Thiên đã tập kích mạnh vào Ưu Điềm và Vân Trình, phá hủy 2 cano, loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn quân địch, sau đó tiếp tục tập kích vào 2 vị trí khác là An Thành và La Vân (Quảng Điền)… Trong vòng gần 1 tháng, quân và dân Thừa Thiên đã tiêu diệt được 298 tên, làm bị thương 32 tên, bắt sống và đầu hàng 26 tên, tịch thu nhiều vũ khí và các kho quân trang của quân địch [4; tr. 4-5].

            Giữa lúc quân và dân Thừa Thiên - Huế đang liên tục tiến công giành những thắng lợi vang dội thì trên chiến trường chính Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ, quân viễn chinh Pháp cũng đang bị quân và dân ta tiến công tiêu diệt khắp mọi nơi. Ở mặt trận Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm kiên cố nhất Đông Dương của thực dân Pháp đang rung chuyển trước bảo táp tiến công của quân và dân ta.

            Hòa chung khí thế của các chiến trường trên khắp cả nước, tiếng súng kháng chiến của quân và nhân dân Thừa Thiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch đã góp phần cùng quân và dân nhân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, đẩy thực dân Pháp vào ngõ cùng không lối thoát. Sự thất bại ở chiến trường Điện Biên Phủ và những bước tiến triển của Hội nghị Genève khiến binh lính địch ở Thừa Thiên hoang mang dao động, nhiều kẻ có tâm trạng hòa bình, chán ghét chiến tranh, trong khi đó có những kẻ vẫn muốn bưng bít thông tin, xuyên tạc thắng lợi của chúng ta.

            Ngày 7-5-1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta tiêu diệt.  Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, tuy còn có hạn chế nhất định do tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và so sánh lực lượng lúc đó, nhưng Hiệp định Genève là một thắng lợi lớn của ta. Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương. Một nửa nước hoàn toàn giải phóng đi vào xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn và thống nhất đất nước.

           Quân và nhân dân Thừa Thiên trong những năm 1953-1954 đã bám chắc tình hình địa phương, vạch ra những phương châm đường lối đúng đắn, phối hợp chặt chẽ với các chiến trường chính. Dưới sự lãnh đạo các cấp Đảng ủy, Đảng bộ địa phương, nhân dân và du kích địa phương Thừa Thiên đã liên tục lập chiến công, chia lửa cho các chiến trường chính, đặc biệt trong năm 1954 chiến trường Thừa Thiên luôn bám sát và phối hợp chặt chẽ với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Với những thắng lợi đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên đã vinh dự nhận lá cờ luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng” của Hồ Chủ tịch và Huân chương hạng 3 của Chính Phủ trao tặng. Đó thật sự là nguồn cổ vũ, động viên to lớn dành cho quân và nhân Thừa Thiên tiếp tục sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm trong thời kỳ mới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất dân tộc Việt Nam ta.

Dương Vĩnh Hậu
 Bản in]

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác