Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đã gần 70 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị lịch sử to lớn và âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng mãi và ghi vào lịch sử như một trong những chiến công hiển hách của sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, trọng tâm là: “tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực thiện chiến của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương.” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ.Căn cứ vào tình hình giữa ta và quân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi thời gian, phương thức tác chiến và đưa ra quyết định cuối cùng: chiến đấu theo phương châm“đánh chắc,tiến chắc”. Quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm thay đổi cục diện chiến trường và góp phần làm nên thành công của chiến dịch
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong ba đợt. Đợt một mở màn từ ngày 13/3/1954 đến ngày 17/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểmĐiện Biên Phủ. Đợt hai diễn ra từ ngày 30/3/1954 đến ngày 30/4/1954, quân ta đánh vào phân khu trung tâm – cứ điểm quan trọng nhất của tập đoàn cứ điểm. Đợt ba diễn ra từ ngày 01/5/1954 và kết thúc ngày 07/5/1954, quân ta nhanh chóng đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, chiến trường Thừa Thiên Huế đóng vai trò quan trọng, làm nhiệm vụ đấu tranh tại vùng sau lưng địch. Để góp sức vào chiến dịch lớn này, ngay từ cuối năm 1953, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ. Tính trong ba tháng đầu năm 1954, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đánh 302 trận (trong đó 32 trận chống càn), tiêu diệt 1569 tên địch, làm bị thương 362 tên.[2]Những chiến công của quân và dân Thừa Thiên Huế đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung ý chí, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết chiến, quyết thắng; nỗ lực chiến đấu và phấn đấu thực hiện thắng lợi cuối cùng.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu, đúng 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy tướng De Castries–đánh dấu kết thúc thắng lợi chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.Ngày 11/5/1954, bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!” được ra mắt trên báo Nhân Dân đã thể hiện niềm vui sướng của hàng triệu nhân dân Việt Nam sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ và hào hùng.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị và ký Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương.Chiến thắng nàylà kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết tinh của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân ta trên con đường đấu tranh chống ngoại xâm nhằm thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục được quân và dân ta phát huy để làm nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, chiến thắng này là tấm gương, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đổi mới, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Ngày nay, cùng với xu thế chủ đạo của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển. Khoa học công nghệ phát triển nhanh và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội cho Việt Namnhưng cũng xuất hiện những thách thức mới trên mọi mặt của đời sống xã hội đất nước. Sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng lên; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao.
Hòa chung với sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Thừa Thiên Huế đã và đang đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Là địa phương đầu tiên triển khai mô hình Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh trong cả nước, năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 4 toàn quốc về chỉ số cải cách hành chính; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 8 toàn quốc; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vị thứ nhất toàn quốc; chuyển đổi số (DTI) năm 2021 tiếp tục giữ vị trí thứ 2 toàn quốc. [3]Đây là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn; thể hiện sự quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động của chính quyền và người dân.Với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chuyển biến tích cực. Tất cả các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Thừa Thiên Huế cả năm 2022 ước đạt 8,56%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 66.348 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 ước đạt 57 triệu đồng, tương đương 2.429 USD, tăng 10,9% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.781 tỷ đồng, vượt 86,3% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.230 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ, đạt 109% kế hoạch.[4]
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, bước vào năm 2023, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng; đoàn kết một lòng; vượt qua mọi khó khăn, thử thách và nắm bắt mọi thời cơ để nhanh chóng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế.”[5]
[1]Trích Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, năm 1991, tr. 14.
[2]Ngô Kha (chủ biên), Thừa Thiên Huế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Nxb Thuận Hoá, năm 1994, Tr.213
[3]Nguồn: thuathienhue.gov.vn
[4]Theo Báo cáo 491/BC-UBND ngày 01/12/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
[5]Trích Nghị quyết số 16-NQ/TU Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (khóa XV) thông qua Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ngày 17/04/2020