Ý NGHĨA LỊCH SỬ ĐẠI THẮNG XUÂN NĂM 1975
Cập nhật:29/04/2020 8:36:46 SA
Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 14/12 đến 20/12/1976 đã nhấn mạnh tầm vóc của Đại thắng Xuân năm 1975: "…Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc…".
Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc lập (tp.Sài Gòn) ngày 30/4/1975
Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc lập (tp.Sài Gòn) ngày 30/4/1975

Cuối năm 1974, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam có sự thay đổi  có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và hạ quyết tâm: “Nếu thời cơ đến vào đầu hay cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.”[1]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta mở lần lượt ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 04/3 đến 24/3/1975), Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (21-29/3/1975) và chiến dịch Hồ Chí Minh (26-30/4/1975). Sau hai chiến thắng ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng của quân ta, chính quyền Việt Nam Cộng hòa rơi vào thế tan rã chiến lược không thể cứu vãn nổi. Ngày 07/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tự tay thảo bức điện khẩn số 157/ÐK gửi các Đảng viên, chiến sỹ trên chiến trường với nội dung: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!..." Ngay lập tức, Bộ Chính trị đã đưa ra quyết định mở chiến dịch thứ ba mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam. Cùng với cả nước, sau ngày 26/3/1975, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Thừa Thiên Huế trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Từ ngày 25/3 đến 30/4/1975, lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế tiếp tục hành quân, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Tỉnh ủy, Ủy ban quân quản Thừa Thiên Huế và người dân Huế tổ chức tiếp quản vùng giải phóng, tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.Chỉ trong năm ngày quyết chiến (26-30/4/1975), Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm tan rã toàn bộ chính quyền, quân đội, cảnh sát Việt Nam Cộng hòa từ Trung ương đến các địa phương trên toàn miền Nam. Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay tại Dinh độc lập (thành phố Sài Gòn) đánh dấu thời khắc lịch sử: miền Nam Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trước một cường quốc hàng đầu thế giới; là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, các dân tộc đấu tranh, giành độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước.của nhân dân thế giới.

 


Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc lập (tp.Sài Gòn) ngày 30/4/1975

(Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế)

Dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thắng lợi vĩ đại, kết thúc cuộc trường chinh chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt của dân tộc ta. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trở thành niềm tự hào, động lực to lớn để các thế hệ người Việt Nam tiếp tục công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền Tổ quốc Việt Namxã hội chủ nghĩa.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu của vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế không ngừng nỗ lực phấn đấu, nhanh chóng khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Thừa Thiên Huế đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành thành phố Festival của Việt Nam và trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế, đào tạo lớn của cả nước.

Từ trang sử chói lọi mùa Xuân năm 1975, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng; đoàn kết một lòng. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần bất khuất, ý chí tự lực tự cường, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo vốn có, Thừa Thiên Huế sẽ nhanh chóng nắm bắt thời cơ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế.[2]

 



[1]Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế tập II, trang 241, Nxb Chính trị quốc gia, năm 1998

[2]Trích Nghị quyết số 16-NQ/TU Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (khóa XV) thông qua Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ngày 17/04/2020

Cao Hoàng Ngọc Anh
 Bản in]

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác