Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận và khẳng định vai trò tích cực, những đóng góp to lớn, cũng như năng lực cách mạng to lớn của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự tham gia của phụ nữ.Trong Thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm chiến thắng Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ 08/3/1952, Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”. Tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Bác Hồ đã nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Người khẳng định vai trò của phụ nữ đồng thời Người muốn hướng tới mục tiêu đưa phụ nữ Việt Nam đến với việc giải phóng toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, do đặc điểm của dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với giặc ngoại xâm nên nhân dân đã phải cống hiến tới một phần ba thời gian cho các cuộc kháng chiến yêu nước trên toàn quốc, và hàng trăm cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc. Từ thực tế đó, phụ nữ Việt Nam đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, đóng góp tài năng, trí tuệ trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, tư tưởng, trong đó chống kẻ thù và xây dựng đất nước nổi lên như một điểm sáng. Do hoàn cảnh thực tế của dân tộc, truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” đã được hình thành từ rất sớm và tự nhiên, và đây là hiện tượng độc đáo nhất của phụ nữ Việt Nam.
Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã bộc lộ truyền thống “thông minh, sáng tạo, cần cù, chiến đấu, dũng cảm” và phẩm chất đạo đức cao đẹp. Từ ngàn năm trước khi Việt Nam bị phong kiến, đã có những nữ anh hùng hào kiệt, không chịu khuất phục trước kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đối mặt với giặc ngoại xâm để giành tự do như: Bà Trưng, Bà Triệu; Bùi Thị Xuân và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng cách mạng to lớn. Điển hình là "đội quân tóc dài" đã trở thành nỗi ám ảnh, khiếp sợ của kẻ thù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà Bác Hồ đã từng ca ngợi: "Miền Nam anh hùng có một đội quân chính trị chiến đấu gồm hàng chục hàng ngàn người lính: họ đều là phụ nữ. Họ đủ tài giỏi và dũng cảm để đánh bại kẻ thù và được gọi là “đội quân tóc dài”. Chúng ta không thể quên những thế hệ phụ nữ anh hùng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước như: Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Út, Trần Thị Lý, Đặng Thùy Trâm… Hay sự hy sinh anh dũng của 10 phụ nữ tại ngã ba Đồng Lộc, ngã 12 Truông Bồn, Hang Tám cô, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương ... đó là những hình ảnh đẹp nhất, tượng trưng cho lòng anh dũng, hiên ngang của phụ nữ Việt Nam
Phụ nữ Việt Nam không chỉ dũng cảm trong chống giặc ngoại xâm mà còn có “trí tuệ, sức sáng tạo và sáng suốt” không thua kém nam giới. Từ thời phong kiến, dù địa vị xã hội của người phụ nữ không được coi trọng nhưng dường như vẫn có những người có trí tuệ khiến đàn ông và xã hội ngưỡng mộ, như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan…
Trong kháng chiến chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã quyên góp, ủng hộ tích cực cho các cuộc vận động “Ngày đồng tâm”, “Hũ gạo cứu quốc”, “Bảo trợ trẻ em”, “Cứu trợ dân tộc”, “Phong trào cứu đói”, "Phong trào tuyên truyền vệ sinh", mua "giấy kháng chiến" để tích cực tăng gia sản xuất, ... Hàng vạn công dân đã gác lại việc nhà, đóng góp hàng triệu ngày công cho các chiến dịch. Có biết bao người mẹ, người vợ đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, âm thầm giấu nước mắt để tiễn chồng, tạm biệt con, từ biệt những người mình yêu thương trên chiến trường. Tất cả mọi thứ, để bảo vệ đất nước. Chính họ, những người mẹ, người vợ cứng rắn, dũng cảm, hy sinh cho dân cho nước
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng vạn người mẹ, người vợ miền Bắc đã không quản ngại hy sinh hạnh phúc cá nhân, động viên chồng con vào Nam chiến đấu. Họ thực hiện nghĩa vụ ở hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Phụ nữ vùng tự do, vùng địch tạm chiếm đã không tiếc công sức đóng góp cho cách mạng, tiếp tế cho kháng chiến. Ngay trong vùng bị địch chiếm đóng, các chị không quản ngại nguy hiểm, không ngừng hy sinh, giúp đỡ, nuôi giấu cán bộ. Các mẹ, các chị tiết kiệm từng đồng, từng bát cơm, từng tấc vải, thuốc men để tiếp tế, ủng hộ cách mạng. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công lao của phụ nữ Việt Nam vẫn được ghi nhớ và khẳng định: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, chắc chắn phụ nữ sẽ có nhiều đóng góp quý báu trong đấu tranh và trong sản xuất. Các chị đã thực sự trở thành hậu phương vững chắc để các anh ra trận, có thể yên tâm đánh giặc”.
Sau đây, xin được đưa ra một số hình ảnh phụ nữ tiêu biểu, minh chứng sống động cho câu nói: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh của dân tộc ta
NGUYỄN THỊ MINH KHAI (1910 -1941) – NỮ BÍ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA THÀNH UỶ SÀI GÒN
Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh - Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước lại được theo học quốc ngữ từ nhỏ, năm 16 tuổi (1926) chị đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 17 tuổi (1927) chị gia nhập Đảng Tân Việt, lấy bí danh là Minh Khai. Sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, tổ chức huấn luyện đào tạo cán bộ cho Đảng, làm nòng cốt cho cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh. Từ 1930 đến 1935, chị được tổ chức đưa ra nước ngoài học tập và hoạt động trong tổ chức Quốc tế Cộng sản và tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 ở Mát-xcơ-va, chị là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên phát biểu tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ hòa bình. Năm 1937 chị trở về nước và được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, lãnh đạo các cơ sở cách mạng và Nhân dân đấu tranh. Năm 1940, giữa lúc phong trào đang phát triển mạnh mẽ thì chị bị địch bắt giam tù đày tra tấn rất dã man và bị chúng kết án tử hình nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của một chiến sĩ cộng sản. Chị hy sinh lúc mới 31 tuổi nhưng tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của chị vẫn mãi được Nhân dân tưởng nhớ và lịch sử khắc ghi.
NGUYỄN THỊ BÌNH (1927 - ) - SỨ GIẢ HOÀ BÌNH CỦA VIỆT NAM
Bà vốn quê ở Quảng Nam nhưng được sinh tại Sa Đéc - Đồng Tháp. Bà tham gia phong trào đấu tranh cách mạng từ 1945 và trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào Phụ nữ cứu quốc Sài Gòn - Chợ Lớn, phong trào học sinh sinh viên, phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình của giới trí thức ở miền Nam. Bà đã từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam (1960); Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Trưởng phái đoàn đàm phán tại Hội nghị quốc tế Paris về Việt Nam, kí kết Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nước CHXHCN Việt Nam (1976-1987), Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam (1992).Vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng với bản tính thông minh, duyên dáng, lại có tài thuyết phục, Nguyễn Thị Bình rất thành công trong hoạt động ngoại giao. Khi tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia và bạn bè quốc tế, bà đã để lại ấn tượng tốt đẹp cũng như tuyên truyền, vận động được nhiều nước trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh đòi hòa bình giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam. Với vai trò là “sứ giả hòa bình”, bà đã có những đóng góp không nhỏ vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Định
NGUYỄN THỊ ĐỊNH (1920 - 1992) – NỮ TƯỚNG ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Nguyễn Thị Định sinh ra trên vùng quê Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và cách mạng. Tuổi ấu thơ, gia đình đông anh em lại phải sống trong xã hội thực dân phong kiến, bà không có điều kiện cắp sách đến trường, tuy không được học nhiều nhưng bà lại rất thông minh và lắm mưu trí, thích đọc sách và ham hiểu biết. Nguyễn Thị Định đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm (năm 16 tuổi). Năm 1938 bà đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Chồng hi sinh khi tuổi đời còn trẻ, con nhỏ, nhưng với ý chí kiên cường và lòng căm thù giặc sâu sắc bà đã thoát li hoạt động cách mạng, nhiều lần bị địch bắt bớ tù đày nhưng chúng không khuất phục được bà. Nguyễn Thị Định là người được chọn làm thuyền trưởng đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến sự ở Nam Bộ và xin vũ khí chi viện, từ đó khởi đầu cho “con đường Hồ Chí Minh trên biển”. Sau đó bà là người chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre, cũng như tham gia chỉ huy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, bà đã lãnh đạo đội quân tóc dài lập nên nhiều chiến công lừng lẫy, làm giặc nhiều phen lao đao, lúng túng, góp phần đưa phong trào cách mạng Việt Nam chuyển từ thế phòng ngự, sang thế tấn công dẫn đến thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, bà đã từng đảm nhận các chức vụ: Chủ tịch Hội Phụ nữ, Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam... bà đã được Đảng và Nhà nước cùng các tổ chức quốc tế tặng thưởng nhiều huân chương và giải thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, giải thưởng hòa bình quốc tế Lê-nin, Huân chương Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới. Bà đã từng được Bác Hồ khen ngợi: “Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân là nữ như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam và cho cả dân tộc ta”.
MẠC THỊ BƯỞI (1927 – 1951) - NỮ ANH HÙNG ĐƯỢC IN HÌNH TRÊN BỘ TEM ĐẮT GIÁ NHẤT
Mạc Thị Bưởi sinh ra ở xã Tân Hưng, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương (nay là xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Năm 1949, địch kéo về xã Tân Hưng đóng bốt Trung Hà, lùng bắt cán bộ. Nhiều cán bộ cơ sở của ta bị địch giết hại hoặc phải di chuyển sang các vùng lân cận để hoạt động. Trong điều kiện khó khăn ấy, một mình đồng chí vẫn bám dân, bám đất, kiên trì hoạt động, giác ngộ nhân dân, xây dựng cơ sở kháng chiến, đào hầm bí mật. Kết quả, đồng chí đã tổ chức được 3 tổ nữ du kích, xây dựng 35 cơ sở ở ba thôn của xã, vận động quần chúng chống nộp thuế, đi phu cho giặc. Nhiều lần Mạc Thị Bưởi đưa đón cán bộ vượt qua những khu vực địch kiểm soát đảm bảo an toàn, giữ vững được liên lạc, tạo thuận lợi cho cán bộ đi về hoạt động, ngoài ra đồng chí cùng cán bộ huyện thường xuyên đột nhập vào thôn xóm nơi địch đang chiếm đóng để diệt tề, trừ gian, bảo vệ cơ sở.
Cuối năm 1950, đồng chí nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho bộ đội ta đánh bốt Thanh Dung; trong thời gian này bốn lần đồng chí dũng cảm bò qua ba lớp rào dây thép gai, vào vị trí địch chiếm đóng để nắm tình hình và truyền đạt mệnh lệnh giữa các tổ đội chiến đấu, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần quan trọng vào thắng lợi của trận đánh.
Năm 1951, Mạc Thị Bưởi làm nhiệm vụ vận động nhân dân vùng địch tạm chiếm chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men chuyển ra vùng tự do phục vụ chiến dịch Trần Hưng Đạo, đánh Đường 18. Trong một lần làm nhiệm vụ, chị rơi vào ổ phục kích của địch. Chị bị địch bắt, chúng đã tra tấn chị một cách tàn bạo, chị cắn răng chịu đựng không khai một lời, trung thành tuyệt đối với tổ chức.
Biết không thể khuất phục được người con gái kiên cường, giặc đã treo chị lên bụi tre và dùng dao chọc tiết lợn giết chị. Mạc Thị Bưởi hy sinh khi mới 24 tuổi xuân. Nhân dân địa phương và tất cả đồng đội vô cùng thương tiếc chị.
Tấm gương anh dũng hy sinh của Mạc Thị Bưởi đã cổ vũ mọi người dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù để trả thù cho đồng bào đã bị giặc giết hại.
Ngày 31/8/1955, Mạc Thị Bưởi được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Để tưởng nhớ sự hy sinh dũng cảm của người nữ anh hùng, ngày 3/11/1956, Bưu chính Việt Nam đã phát hành bộ tem “Anh hùng Mạc Thị Bưởi (1927-1951)”, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế và in offset màu tại nhà in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Hơn nữa, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Sách đã dựng tượng đài Mạc Thị Bưởi, cạnh Quốc lộ 5 và xây nhà tưởng niệm chị tại khu vực đền thờ Mạc Đĩnh Chi. Tại thành phố Hải Dương một con đường ngay trung tâm thành phố mang tên chị.
NGÔ BÁ THÀNH (1931 - 2004) – NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA THIÊN NIÊN KỶ
Ngô Bá Thành tên thật là Phạm Thị Thanh Vân (Ngô Bá Thành là tên người chồng quá cố của bà). Bà là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đỗ thủ khoa Tiến sĩ Luật học ở Pháp - Mĩ - Tây Ban Nha và đã được Trung tâm Tiểu sử quốc tế bầu chọn là người phụ nữ của thiên niên kỷ - người phụ nữ Đông Dương vô địch tốc kí tại Pháp. Với tài năng kiệt xuất, được mời vào làm việc cho Ban Luật quốc tế và Viện Đại học quốc tế nhưng bà đã từ chối và trở về Sài Gòn làm việc để tham gia phong trào đấu tranh đòi hòa bình, đòi quyền sống cho Nhân dân, cho dân tộc. Trong thời kì chiến tranh Nam Bắc, bà là đại diện tiêu biểu của thành phần thứ 3. Trong quá trình hoạt động, bà đã nhiều lần bị chính quyền Sài Gòn cầm tù và chịu thiệt thòi về cuộc sống gia đình nhưng bà vẫn kiên cường đấu tranh hi sinh cho sự nghiệp, cho lẽ phải. Bà đã từng là Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội các khóa 6, 7, 8, 10; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Năm 1998, bà đã được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ (American Biographical Institule - ABI) chọn là “Người phụ nữ của năm 1998” vì những cống hiến to lớn cho xã hội và nghề nghiệp. Cùng năm đó, Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Anh (International Biographical Centre - IBC) chọn bà là “Người phụ nữ thiên niên kỷ”, đồng thời được nhận vinh dự là “Người phụ nữ châu Á đầu tiên giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Tiểu sử quốc tế đầu tiên khu vực châu Á”.
HỒ KAN LỊCH (1943 - ) - NỮ ANH HÙNG PAKÔ TRÊN DÃY TRƯỜNG SƠN
Nữ Anh hùng Kan Lịch sinh tại bản A Lê Nốc, nay thuộc Thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1958, Kan Lịch đã tham gia cách mạng, lúc đầu là liên lạc, chuyển công văn, thư từ cho cán bộ du kích trong xã. Năm 1961, bà tham gia vào đội du kích. Ngoài việc sản xuất, chị em trong đội du kích phải vót chông, đào hầm chông, làm bẫy chông đánh địch... Với sự hướng dẫn, chỉ đạo của bộ đội địa phương, bà và chị em du kích đã tham gia nhiều trận đánh, học tập cách bắn máy bay, sử dụng các loại vũ khí... Năm 1963, trong một trận đánh ở A Lưới, mặc dù bị chông đâm, bà vẫn cùng tổ du kích lọt vào giữa bốt địch lúc chúng đang ngủ và diệt được 4 tên.
Trong một trận đánh khác vào tháng 5/1964, bà đã dẫn tổ du kích vào phục sát sân bay A Lưới, giữa đồi tranh nắng gắt, chịu đói, chịu khát suốt hơn hai ngày kiên trì chờ máy bay địch xuống sân bay rồi diệt cả bọn, trong đó có một tên đại tá Mỹ. Chỉ tính từ năm 1961 - 1965, bà Kan Lịch đã diệt 150 tên, 1 đại tá Mỹ, bắn rơi 1 máy bay, bắt sống 2 tên địch, thu 2 khẩu súng, giúp sức cùng đội du kích nữ diệt 1.000 tên địch.
Với những thành tích nổi bật trong chiến đấu, bà Kan Lịch đã được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, cấp Quân khu V. Thật vinh dự vào năm 1967, bà được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tháng 6/1968, đoàn anh hùng, dũng sỹ diệt Mỹ của miền Nam gồm 5 người ra thăm miền Bắc, trong đó có bà Kan Lịch. Bà là nữ anh hùng người dân tộc đầu tiên của chiến trường. Đoàn đã được đi thăm nhiều nơi, được gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị quan khách quốc tế. Đặc biệt đoàn được gặp Bác Hồ, chụp ảnh cùng Bác. Tấm ảnh “Bác Hồ cùng với các anh hùng, dũng sỹ miền Nam” trong đó có bà Kan Lịch đã đi vào lịch sử.
Bà Kan Lịch xúc động cho biết: “Trong chuyến đi này, thật vinh dự, bà đã 7 lần được gặp Bác Hồ, trong đó có 3 lần được ăn cơm với Bác. Bác Hồ đã tặng bà bút viết để đi học, đồng hồ đeo tay, đài, súng”. Bà nhớ lại: “Được gặp Bác cứ nghĩ như mình đang mơ, đó thực sự là điều bất ngờ! Bác thật gần gũi, như một ông tiên. Mỗi lần gặp, Bác Hồ động viên dặn bà rất nhiều: phải cố gắng giữ được danh hiệu Anh hùng; cố gắng học để biết đọc, biết viết tiếng Kinh, cố gắng góp phần để xây dựng mối đoàn kết dân tộc”.
NHỮNG NGƯỜI LÍNH NỮ "XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN ĐI CỨU NƯỚC - "VAI TRĂM CÂN, CHÂN VẠN DẶM"
Trong những năm tháng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", trên chiến trường Khu V có một đơn vị gồm hơn 600 cô gái tuổi mười sáu, đôi mươi làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược, làm nên huyền thoại về "đội quân tóc dài" của miền Trung khói lửa. Đó là Tiểu đoàn Vận tải 232 do đồng chí Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng.
Tiểu đoàn Vận tải 232 (Cục Hậu cần Quân khu V) được thành lập đúng vào dịp kỷ niệm 58 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1968). Dấu chân các nữ chiến sĩ đã in khắp vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đường 9-Nam Lào, từ dốc Lò Xo đến Hòn Kẽm, Đá Dừng, đèo Le, đèo Phượng Tổng. Luồn rừng, băng đèo, lội suối dưới những cơn mưa tầm tã hay cái nắng cháy da, cái rét cắt thịt, gùi hàng gấp hai lần trọng lượng cơ thể trong lúc địch liên tục lùng sục, càn quét, nhưng các chị luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Lập nên nhiều kỳ tích, các chị được các cấp tặng danh hiệu “Kiện tướng hành lang”, được tặng Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Chiến công giải phóng... Tiểu đoàn trở thành ngọn cờ tiêu biểu của ngành hành lang vận tải Khu V, tập thể đơn vị và Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao, Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Nhớ lại ký ức “thời hoa lửa”, nữ Anh hùng Phạm Thị Thao kể: “Không chỉ đưa vũ khí, đạn dược, thuốc men ra chiến trường, chuyển thương binh về tuyến sau, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hàng, bảo vệ đường hành lang, đơn vị còn xuống đồng bằng chuyển gạo, muối, mở đường, dựng nhà, làm kho chứa hàng, sản xuất chăn nuôi tại chỗ. Không nề hà gian khổ, hiểm nguy, với chúng tôi, cứ đưa mỗi chuyến hàng đến tiền tuyến là kéo ngày giải phóng miền Nam gần thêm một ít”. Niềm tin mãnh liệt ấy đã thôi thúc và tiếp sức cho các người lính nữ vượt qua gian khổ, vượt lên chính mình, hình ảnh những cô gái trẻ măng cùng chiếc gùi cao hơn đầu sẽ còn đọng lại mãi trong ký ức của đồng đội và nhân dân thuở ấy. Cao 1,55m, vóc dáng mảnh mai, song, Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn đã làm nên điều phi thường: Mang vác lượng hàng nặng gấp hơn hai lần trọng lượng cơ thể của mình.
Đầu năm 1972, tiểu đoàn được giao vận chuyển nhiều loại vũ khí, trong đó có súng cối 120mm vừa nặng, vừa cồng kềnh, gùi cá nhân không nổi mà hai người khiêng leo dốc cao không bảo đảm an toàn. Nguyễn Thị Huấn xung phong nhận trách nhiệm này về mình. Suốt đêm đó chị thức trắng, tìm mọi cách buộc dây, gùi thử. Lúc đầu đứng dậy không nổi vì đế súng nặng 125kg, chân đế lại đưa ra ngoài rất vướng. Gần sáng, chị mới tìm ra cách chèn thêm gỗ vào.
Hôm sau, chị gùi đế cối vượt qua khe Chín Khúc, leo qua ngọn đồi Thanh Sơn đến được điểm giao hàng đúng thời gian quy định. Lần khác, chị gùi nòng súng ĐKZ 75mm rất dài, vừa đi vừa cầm dao phát dây leo trên đầu, có lúc bị vấp ngã, cả người lẫn hàng lăn xuống dốc.
Những năm tháng ấy, nhiều người trong tiểu đoàn chất trên vai bao gạo nặng trĩu, quyết tâm phải mang bằng được nguyên vẹn ra mặt trận, còn mình chỉ ăn bo bo. Những ai đau ốm, bị thương và có lệnh của chỉ huy mới được phép lấy gạo sử dụng. Những khi bị địch phong tỏa, các chị lại kiếm củ sắn, lá sắn và cây môn rừng, rau tàu bay làm thức ăn. Giữa đạn bom ác liệt, chị em san sẻ từng viên thuốc, cọng rau, thìa cháo và cùng hát vang bài ca cách mạng.
Đến bây giờ, những nữ cựu quân nhân tiểu đoàn vẫn nhớ như in hình ảnh Chính trị phó Đại đội 3 Trần Thị Lâu, hy sinh năm 1972 khi vận chuyển hàng qua sông Nước Chè, thuộc huyện Trà My (Quảng Nam). Đang giữa mùa lũ, nước sông chảy xiết, chị Lâu xung phong đi trước qua sông để buộc dây sang bờ bên kia cho đơn vị bám vào lội qua. Đến giữa sông, gặp cơn lũ mạnh, chị bị dòng nước lũ cuốn trôi. Đến khi nước rút, đồng đội mới tìm thấy thi thể chị bên một tảng đá với gùi hàng còn nguyên vẹn trên vai.
Tháng 10/1972, đơn vị giải thể. Trong 4 năm công tác, Tiểu đoàn Vận tải 232 đã vận chuyển hơn 5.000 tấn hàng hóa ra chiến trường. Ước tính trung bình, mỗi nữ chiến sĩ đi bộ khoảng 600km mỗi năm. Với những phương châm:
"Đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên một tạ",
"Không tính khối lượng, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả",
“Vai trăm cân, chân vạn dặm”;
“Bom thù, mưa dội, đường trơn
Hàng em vẫn xẻ Trường Sơn đi về”..
Ngoài các gương tiêu biểu nói trên, ở Việt Nam còn hàng ngàn, hàng vạn các mẹ, các chị là chiến sĩ, liệt sĩ anh hùng khác đã không tiếc máu xương, chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ đã phát huy truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, góp phần tô thắm trang sử vàng vẻ vang của dân tộc.
Như vậy, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước, ta có thể tự hào rằng, phụ nữ Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình, trong đấu tranh cách mạng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho những người phụ nữ Việt Nam anh hùng quả cảm trong lao động sản xuất và chiến đấu tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để minh chứng cho điều đó