Đến với tháp cổ Chăm Mỹ Khánh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghiêm của những tháp cổ và sự trong sạch của thiên nhiên ở Mỹ Khánh. Trong quá trình đào xới quặng titan tại bờ biển Mỹ Khánh (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế), các công nhân khai thác quặng titan tình cờ phát hiện một tháp Chăm nằm sâu dưới lòng đất – tháp Chăm Mỹ Khánh. Tháng 5, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiến hành các biện pháp bảo vệ tháp như: xây dựng nhà che mưa nắng, khoanh vùng, dựng nhiều cột gỗ chống nghiêng đổ, xây đê bao tránh cát bay vùi lấp và chặn nước xói mòn
Việc khai quật được thực hiện vào tháng 9/2001. Tháp bị vùi sâu dưới lòng cát từ 5 – 7 m, thấp hơn mực nước biển 3 – 4 m và chỉ cách bờ biển 120 m. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tháp Chăm Mỹ Khánh có niên đại sớm nhất, được xây dựng vào thế kỷ VIII, thuộc nhóm tháp khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Chàm khi chuyển sang xây dựng bằng chất liệu bền vững. Tháp là công trình kiến trúc văn hóa Chămpa còn nguyên vẹn nhất kể từ khu vực Bắc Hải Vân trở ra (được công nhận Di tích văn hóa lịch sử Quốc gia 12/2001)
Nay nhìn từ bên ngoài vào, tháp có 1 bệ thờ lộ thiên và 4 cửa. Cửa chính quay mặt ra Biển Đông, hướng đông là cửa đi ra vào đã bị sụp đổ một bên. Còn lại 3 cửa giả, có kiểu dáng, kích thước giống nhau, cửa hướng nam khá nguyên vẹn, cửa hướng tây nứt ở vòm, cửa hướng bắc nghiêng lệch ở chân đế. Tháp có kiến trúc hình chữ nhật, dài 8,22 m, rộng 7,12 m, và giật cấp thu nhỏ dần thân tháp phía trên, thuộc dạng tháp lùn.
Tháp Phú Diên(Mỹ Khánh)
Các vòm cửa khá hài hòa, trang trí đầu cột và góc mái với 10 lớp gạch nhô lần ra. Dưới là phần cột bo tròn, kết cấu thô sơ nhưng không dấu được nét mềm mại. Trong lòng tháp có một Youni bằng đá hình vuông, giữa còn một cái gờ hình tròn là chân đế một Linga. Phần trang trí ở chân tháp có hình người, những viên gạch nung xen kẽ ngang dọc.
Dù trải qua hàng thế kỷ, đến nay vẫn thấy màu gạch còn đỏ hồng đẹp mắt. Các mẫu gạch đều xốp, có kích thước không đều. Theo nghiên cứu khoa học, gạch làm bằng đất sét, chỉ ở nhiệt độ thấp dưới 800 – 900oC. Khi xây tháp, người xưa đã ghép bằng kĩ thuật mài chập với nhớt cây ô dước và nước tạo sự kết dính.
Nằm về phía nam cách cửa biển Thuận An 11 km, bãi cát vàng phơi mình dưới làn nước xanh, là một bãi tắm tự nhiên lặng sóng êm ả. Đứng trên đồi cát trắng nhìn xuống, Mỹ Khánh được cấu tạo bởi một dải cát cực sạch, độ cao thoai thoải, có thể đi ra xa đến hàng trăm mét mà nước mới chỉ đến ngang ngực. Bãi biển bình yên, đẹp tuyệt vời!
Ở sau và hai bên tháp Chăm là một rừng dương liễu, hiện đã có lối vào cho xe ô tô. Muốn xuống biển thì đi bộ chừng 200 m qua rừng cây dương liễu, hoa tứ quý, hoa muống biển. Rừng dương cổ thụ bên phải là chỗ nghỉ ngơi cho khách du lịch, đã quy hoạch thành khu nghỉ mát, ăn uống. Mỹ Khánh chẳng có gì phô trương, nhưng lại lôi cuốn lữ khách bằng sương mù đặc quánh buổi sáng sớm, bằng những chiếc quán tranh tre xiêu vẹo bên đầm phá Tam Giang trong chiều mịt mờ khói sóng… Các loại hải sản ở đây cực tươi do thuyền chài đánh bắt về bán trực tiếp, giá lại rẻ bằng phân nửa ở khu du lịch Thuận An. Mọi người tha hồ thưởng thức mực một nắng, tôm he, tôm hùm, cá chim, cá thu, cá nụ, cá đé… Cách chế biến các món ăn rất đặc trưng của người dân địa phương. Chủ yếu đều nướng trên than hồng, gia vị rất cay, rau cải trồng hái tại chỗ.
Suốt thời gian mới phát lộ tháp Chăm và đến sau này, Mỹ Khánh thu hút rất đông khách du lịch, sức hút chính là “Tháp Chăm” cổ kính và cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ, thanh sạch.