Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902 tại xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đồng chí sinh ra trong một gia đình tri thức tại một vùng đất giàu truyền thống quật cường cách mạng. Thân Phụ là cụ Phan Đăng Dư (1874-1955) một nhà nho yêu nước và thân mẫu là bà Trần Thị Liễu một người phụ nữ vì chồng vì con.
Cuộc đời đồng chí Phan Đăng Lưu là một tấm gương sáng ngời phẩm chất và đạo đức cách mạng của người cộng sản. Nét nổi bật nơi đồng chí là niềm tin tuyệt đối vào Đảng vào thắng lợi của cách mạng. Một niềm tin sắt đá, mãnh liệt, thấm sâu vào tâm hồn, thể hiện ở tư tưởng, lời nói, việc làm, ở toàn bộ lối sống của đồng chí.
Với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, để lại hình ảnh cao đẹp của một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam và Thừa Thiên Huế vinh dự nơi ghi dấu những năm tháng hoạt động của đồng chí Phan Đăng Lưu từ năm 1936 - 1939
1. Trường Quốc Học, 12 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế
Thuở nhỏ, đồng chí có tiếng học giỏi thông minh, khi mới 16 tuổi đã tham dự kỳ thi Hương, dù phải khai tăng thêm 2 tuổi để được đi thi (1918). Tuy nhiên do Nho học không còn được trọng, đồng chí học thêm chữ Quốc ngữ và chữ Pháp tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh và Trường Quốc học Huế.
Khi học hết năm đầu bậc trung học tại Trường Quốc học Huế, đồng chí đã quyết định thi vào Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang.
Trường Quốc Học được xây dựng từ năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái, mới đầu trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường. Trường đã trải qua nhiều lần đổi tên từ trường Quốc Học (1896 – 1936), trường Trung học Khải Định (1936 – 1954), trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955 – 1956) sau đó vào năm 1956, nhân kỉ niệm 60 năm thành lập, trường đã được đổi về tên cũ là trường Quốc học. Nơi đây là cái nôi đào tạo rất nhiều hiền tài của đất nước, các bậc lãnh đạo chính trị của Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Chí Diểu, đồng chí Phan Đăng Lưu…
Tháng 3/1990, trường Quốc Học được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
- Vào tháng 6/1936, chính phủ mặt trận nhân dân Pháp thắng cử và lên cầm quyền đã ban hành nhiều chính sách tiến bộ như: Tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn, cải thiện chế độ làm việc cho người dân lao động, giảm thuế, đặc biệt là chính sách ân xá và giảm án cho tù chính trị. Cũng trong thời gian này, các đồng chí: Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Bùi San..., được trả tự do nhưng bị quản thúc tại Huế nhanh chóng chắp nối lại liên lạc, xây dựng cơ sở trong dân, phát triển lại phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Trung.
Trước tình hình đó, tháng 3/1938 Xử ủy Trung kỳ được thành lập, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm bí thư. Để có cơ sở và địa bàn hoạt động, hai đồng chí Tô Kim Thuyên và đồng chí Lê Thị Quế tìm gặp vợ chồng ông Châu Tùng Cẩm để tìm thuê căn nhà 95c này, để mở cửa hiệu bán sách báo làm bình phong che mắt địch cho cơ quan Xứ ủy Trung kỳ hoạt động. Đồng thời còn là địa bàn liên lạc và tổ chức các lớp tập huấn của Đảng, đào tạo những cán bộ ưu tú cho các tỉnh miền Trung.
Trong những năm 1938 - 1939, “Hiệu sách Thuận Hoá” là nơi hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí, trong đó phải kể đến các đồng chí thường lui tới hoạt động như: đồng chí Lê Duẩn (Bí thư Xứ uỷ giai đoạn 1938-1939), đồng chí Phan Đăng Lưu (Cán bộ Xứ uỷ hoạt động công khai phụ trách báo Dân), đồng chí Tố Hữu thường xuyên tới mua sách báo để liên lạc, trao đổi với Xứ uỷ…
3. Những đóng góp của đồng chí Phan Đăng Lưu trên lĩnh vực báo chí
Năm 1936, sau khi được trả tự do đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu vào Xứ ủy Trung Kỳ, được Đảng phân công phụ trách phong trào đấu tranh công khai, bán công khai ở Huế và Trung Kỳ - nơi trung tâm đầu não của thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, với tài năng nhiều mặt, cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Bùi San, đồng chí Phan Đăng Lưu đã thể hiện rõ vai trò là linh hồn của cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Huế và Trung Kỳ, góp phần đưa phong trào trở thành một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp của quần chúng tại Huế.
Đặc biệt hoạt động trên lĩnh vực báo chí là một đóng góp rất to lớn của Phan Đăng Lưu đối với báo chí cách mạng. Là người phụ trách báo chí, đồng chí đã khắc phục, vượt lên mọi khó khăn về tài chính để tổ chức biên tập, in, phát hành báo dưới sự theo dõi, bắt bớ rất gắt gao của chính quyền thực dân Pháp. Sau khi báo Nhành Lúa bị cấm, Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay, trong khi cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các lực lượng dân chủ và phản động vẫn đang tiếp diễn. Lúc này, tờ Sông Hương do Phan Khôi chủ trương đang bế tắc, có thể phải đóng cửa và phá sản. Các đồng chí xứ ủy chủ trương mua lại, vẫn giữ nguyên tên báo, thêm hai chữ “tục bản”.
Tờ “Sông Hương tục bản” được đặt tại số 68 Jules Ferry, Huế do Ngô Đức Mậu thư ký tòa soạn. Những bài chính được Phan Đăng Lưu và Tôn Quang Phiệt viết ở Huế rồi gửi ra Vinh cho Ngô Đức Mậu sắp xếp in, xong phát hành ngay tại đó. Báo ra được 14 số, số đầu ra ngày 19/6/1937, số cuối ra ngày 14/10/1937. Sông Hương tục bản đã góp phần quan trọng trong cuộc tranh cử của ta vào Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1937. Báo đã đề cập sắc sảo đến những vấn đề về tranh cử, hướng cử tri vào cuộc bầu cử, qua đó trình bày quan điểm rõ ràng của người cộng sản. Ngay sau đó, chính quyền Pháp đã ra lệnh thu hồi giấy phép ra báo.
Sau khi Xứ ủy Trung kỳ chính thức thành lập, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy đã chỉ thị việc xuất bản báo Dân và giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo.
Báo Dân được xuất bản thứ 4 hàng tuần tại Huế, do Nguyễn Đan Quế quản lý, đồng chí Phan Đăng Lưu - xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo biên tập. Báo ra được 17 số: số 1 ra ngày 6/7/1938; số cuối (số 17) ra ngày 7/10/1938. Tòa soạn báo đặt tại số 11, Doudart de Lagreé, Huế. Nội dung chính báo Dân cho đăng nhiều bài phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đòi cải cách thuế khóa, đòi tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị, đòi tự do thành lập Hội ái hữu và nghiệp đoàn. Nhớ về đồng chí Phan Đăng Lưu và tờ báo Dân, nhà thơ Tố Hữu đã viết trong sách “Nhớ lại một thời” rằng: “Anh Lưu nói: Báo ta (tức Báo Dân) hơi khô. Cậu biết làm thơ hãy làm những bài thơ về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà do đế quốc, phong kiến bóc lột và do sưu cao thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi… có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được một số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó mà dân ta thích đọc báo ta hơn, nhưng phải chú ý: dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng”. Nhờ đó, báo Dân đã đoàn kết, động viên, giác ngộ chính trị cho hàng vạn quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp từ thành thị đến nông thôn.
Thời kỳ này, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng nhân dân trước Viện dân biểu Trung kỳ, trước tòa soạn báo Dân để phản đối, yêu cầu Viện Dân biểu xóa dự án thuế thân và dự án tăng thuế điền thổ của chính phủ. Kẻ thù bị thất bại trên mặt trận công luận, tư tưởng đã đưa tờ báo ra tòa, ra lệnh đóng cửa báo Dân. Không chịu bó tay và cũng không cần xin phép chính quyền thực dân Pháp, đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo ra tiếp tờ Dân Tiến.
Báo Dân tiến (“Dân là dân, tiến là tiến tới. Dân tiến là dân tiến tới, dân cứ đi mãi. Dân có bị giết chết, bị tù, bị phạt, bị đói… dân vẫn cứ sống, vẫn cứ tới” ) xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn. Danh nghĩa báo là cơ quan liên hiệp các lực lượng cấp tiến nhưng thực chất là của Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, in và phát hành tại Sài Gòn. Thư ký tòa soạn: Lưu Quý Kỳ. Quản lý: Huỳnh Văn Thanh. Tòa soạn: số 46B, Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn (nay là đường Phát Diệm). Báo ra được 5 số: số 1 ra ngày 27/10/1938; số cuối (số 5) ra ngày 22/12/1938 thì bị đóng cửa. Đồng chí lại tiếp tục cho ra tờ Dân Muốn, cơ quan trung ương của Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương.
Báo Dân Muốn được biên tập ở Huế, in và xuất bản xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn. Đồng chí Phan Đăng Lưu là người trực tiếp chỉ đạo biên tập. Chủ nhiệm báo là Phan Văn Tạo. Thư ký tòa soạn: Lưu Quý Kỳ. Tòa soạn tại số 198, đại lộ Galiêni, Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo). Báo in khổ 44,5cm x 60cm tại Nhà in Bảo tồn. Báo ra được 2 số: số 1 ra ngày 20/12/1938, số cuối (số 2) ra ngày 25/1/1939 thì bị đình bản.
Người dân Cố đô Huế và bạn đọc cả nước thời bấy giờ thấy xuất hiện liên tục hàng trăm bài báo sắc bén với hàng loạt bút danh: Sông Hương, Dân, Dân muốn, Phi Bằng… trên các báo Sông Hương tục bản, Dân, Hồn trẻ, Tin tức, Nhành lúa... xuất bản ở Huế và ở Sài Gòn.
Thừa Thiên Huế không phải quê hương của đồng chí Phan Đăng Lưu nhưng đã chứng kiến và ghi nhận sự đóng góp to lớn của đồng chí trên con đường hoạt động cách mạng thời kỳ năm 1936, đặc biệt những đóng góp to lớn trên lĩnh vực báo chí. Những di tích và một số địa điểm gắn liền với những hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu trên quê hương Thừa Thiên Huế không chỉ là niềm tự hào mà còn có ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ. Những di tích và một số địa điểm liên quan đến đồng chí là nhịp cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai; có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là điểm tựa tinh thần cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương trong thời đại mới. Mỗi di tích đều mang trong mình những giá trị khác nhau về lịch sử, văn hóa, lưu niệm, giáo dục truyền thống, du lịch… mà ngày nay chúng ta cần phải quan tâm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần lưu giữ những di sản mà các thế hệ cha ông để lại.