TRƯỜNG THANH NIÊN TIỀN TUYẾN HUẾ NĂM 1945
Cập nhật:19/08/2021 10:03:21 SA
Trong những ngày mùa Thu lịch sử năm 1945, tại Thừa Thiên Huế đã xuất hiện một ngôi trường mà số phận nó gắn liền với lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc nói chung và lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng – đó là trường Thanh niên Tiền tuyến Huế.

        Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (ngày 09/3/1945), ngày 17/4/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, với nội dung gồm 10 bộ; trong đó có Bộ Thanh niên do Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng và giáo sư Tạ Quang Bửu làm Đặc vụ uỷ viên”. Công việc đầu tiên của Bộ Thanh niên về mặt tổ chức là lập ra trường “Thanh niên Tiền tuyến Huế”. Ngày 16/6/1945, chính phủ Trần Trọng Kim ra Sắc lệnh số 15 thành lập trường. Xuất phát từ tinh thần yêu nước và tầm nhìn của những nhà tri thức, Luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu đã tập hợp 43 học viên là những thanh niên trí thức và 4 giáo viên (số liệu này theo lời kể của ông Đặng Văn Việt – Cựu học viên trường Thanh niên Tiền tuyến Huế) tổ chức ra trường Thanh niên Tiền tuyến Huế do ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng. Lúc đầu trường có tên là “Đế quốc Tiền tuyến” theo chủ ý của Tư lệnh quân đội Nhật. Với ý đồ biến các học sinh của trường thuộc khối đặc kích đế quốc Nhật Bản, gánh vác một phần trong việc xây dựng khối Đại Đông Á do đế quốc Nhật Bản thống trị. Nhưng trong lời tuyên bố với mục đích và cách thức tổ chức của trường thì Luật sư Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Thanh niên) không gọi trường “Đế quốc Tiền tuyến” mà gọi là “Thanh niên Tiền tuyến”. Với mục tiêu tranh thủ thời cơ đào tạo cán bộ chỉ huy quân đội cho nước Việt Nam độc lập trong tương lai. Điều ấy đã được thể hiện ngay sau ngày khai giảng (02/7/1945), tổ Việt Minh đã được thành lập và chỉ trong vòng một tháng, toàn bộ học viên của trường đã đứng vào hàng ngũ của Việt Minh, kể cả hiệu trưởng trường, ông Phan Tử Lăng vốn là một sĩ quan lục quân của Pháp, chỉ huy trưởng Đội bảo an có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự cho cố đô Huế của chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật.

         Ngay từ đầu mới thành lập, trong trường đã có một tổ chức Việt Minh gồm 5 người: Nguyễn Kèn (tức là Nguyễn Thế Lâm – tổ trưởng), Võ Quang Hồ, Đặng Văn Việt, Lê Khánh Khang, Phan Hàm. Dưới sự tuyên truyền, giáo dục của Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh do đồng chí Hoàng Anh làm Bí thư, toàn bộ học viên của trường Thanh niên Tiền tuyến đã giác ngộ “Việt Minh hoá” và hòa mình vào không khí sôi động và hào hứng của những ngày tháng Tám lịch sử, những học viên của trường Thanh niên Tiền tuyến đã hăng hái tham gia Tổng khởi nghĩa, trở thành lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang giải phóng quân Huế. Những học viên của trường như: Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương đã thực hiện các nhiệm vụ quan trọng là hạ cờ quẻ ly của nhà Nguyễn, treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế ngày 22/8/1945; tổ chức bảo vệ trật tự các lễ mít tinh lớn: lễ ra mắt Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Trung Bộ và Uỷ ban Nhân dân Cách mạng thừa Thiên Huế, lễ thoái vị của Bảo Đại, hộ tống công dân Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội…; tham gia chi viện cho mặt trận Sài Gòn - Gia Định, Nha Trang và mặt trận Lào…

       Đây là ngôi trường “xanh vỏ đỏ lòng” (bên ngoài là trường của Chính phủ Trần Trọng Kim, bên trong là đào tạo những người phục vụ cho cách mạng), mặc dù ra đời và tồn tại trong một thời gian ngắn, sau khi Nhật đầu hàng (14/8/1945), toàn trường đã tập trung tham gia vào việc chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Huế. Trở thành nơi đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc ta.

       Sống trong những thời khắc lịch hào hùng của dân tộc, được lý tưởng cách mạng soi rọi, những chàng thanh niên trí thức giàu lòng yêu nước đã xếp bút nghiên đi theo cách mạng, trọn đời phụng sự Tổ quốc, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhiều học viên của trường đã tham gia quân đội, trở thành những tướng lĩnh, cán bộ cao cấp (2 bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Phan Anh, Tạ Quang Bửu, 8 vị tướng: Trung tướng Cao Vân Khánh, thiếu tướng Phan Hàm, Đoàn Huyên, Nguyễn Thế Lâm, Võ Quang Hồ, Đào Hữu Liêu, Nguyễn Thế Lương, Mai Xuân Tần), một số đồng chí đã anh dũng hy sinh. Hòa bình lập lại, một số chuyển ngành trở thành cán bộ có nhiều cống hiến trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học (Giáo sư Lê Quang Long, cháu ngoại vua Thành Thái, nhà Sinh vật học hàng đầu của Việt Nam; Nguyễn Đức Thừa – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, người có công xây dựng ngành luyện kim, đặc biệt là ngành luyện kim màu ...) góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát huy giá trị lịch sử

       Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những dấu tích, những kỷ vật gắn liền với cuộc chiến vẫn còn tồn tại, là những bằng chứng lịch sử chứng minh: Dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé, nhưng với sức mạnh đoàn kết, ý chí chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã đánh bại âm                                                     mưu, thủ đoạn của địch. Để tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của một thời xếp bút nghiên lên đường đánh giặc, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng cựu học viên của trường Thanh niên Tiền tuyến và gia đình, con em của họ hàng năm tổ chức buổi gặp mặt để nhằm ôn lại truyền thống của ngôi trường; đồng thời đã trao tặng các kỷ vật, hiện vật, tư liệu…cho Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý và phát huy giá trị lịch sử. Trong số đó có nhiều hiện vật quý có giá trị như: Áo dạ của Luật sư Phan Anh đã từng mặc từ những ngày tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và tham dự các hội nghị quốc tế; chiếc bút máy của Giáo sư Tạ Quang Bửu đã sử dụng trong thời gian tham gia Hội nghị ký hiệp định Giơnevơ,1954; chiếc la bàn của ông Tôn Thất Hoàng thu được của lính Pháp trong trận đầu đánh Pháp 1945 tại Hiền Sĩ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế; chiếc xắc cốt của ông Võ Lương được trang bị từ những ngày đầu tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp; trang phục (bộ quần áo, thắt lưng, đôi ủng) của ông Tôn Thất Hoàng, cựu học viên trường Thanh niên Tiền tuyến Huế phục chế lại.

       Đây không chỉ là những kỷ vật mang dấu ấn của một thời sôi nổi đầy nhiệt huyết cách mạng của những cựu học sinh trường Thanh niên Tiền tuyến, mà còn là tấm lòng thủy chung son sắt đối với cách mạng, đối với Thừa Thiên Huế nơi có ngôi trường giờ đây đã trở thành di tích lịch sử cách mạng. Những cựu học sinh năm xưa nay đã trở thành các đại lão, tuy người còn, người mất nhưng tinh thần của họ sống mãi với thời gian và vùng đất sông Hương núi Ngự.

Lê Thị Minh Tân
 Bản in]

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác