Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử chấm dứt thời kỳ nửa thuộc địa - phong kiến ở Việt Nam
Cập nhật:22/08/2020 9:13:18 SA
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công được xem là một thắng lợi vĩ đại, là tiền đề tạo nên bước ngoặt lịch sử dân tộc Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì một “đất nước Việt Nam là của người Việt Nam, độc lập muôn năm”, đồng thời qua đó cũng chấm dứt chế độ phong kiến kéo dài suốt hàng nghìn năm trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguồn: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam)
Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguồn: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam)

Bối cảnh lịch sử và diễn biến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945

          Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ II đã bước dần vào hồi kết. Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành được những thắng lợi quyết định trên các chiến trường ở châu Âu, giải phóng một số nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức ở thủ đô Berlin. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8-8-1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, thế chiến lần thứ II kết thúc. Theo sự thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và quân Tưởng Giới Thạch sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp đang lăm le dựa vào Đồng minh, chủ yếu là dựa vào các thỏa thuận song phương với thực dân Anh nhằm mục đích quay lại khôi phục địa vị thống trị của mình tại khu vực Đông Dương; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương, những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang thực hiện âm mưu thay đổi chủ, chống lại phong trào cách mạng của ta.

          Trước tình hình thế giới có nhiều thuận lợi, bối cảnh trong nước ta đến thời điểm  năm 1945 cũng có những bước chuyển biến nhanh chóng và rõ rệt. Trải qua các cuộc diễn tập, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp, ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng đã quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ta đã ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4-1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân.

         Từ tháng 4-1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức trên khắp cả nước. Đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang), Tân Trào được chọn làm căn cứ địa cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa cả nước.

         Ngày 13-8-1945, được tin Nhật đầu hàng đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng Bộ Việt Minh đã thành lập ngay Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc. Cũng trong ngày 13-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và phát động phong trào toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: “tập trung, thống nhất, kịp thời”. Vào lúc 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gọi Tổng khởi nghĩa; Sau khi phân tích tình hình trong nước, vai trò Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: …“Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm Tiến Lên!” Tháng 8-1945.

         Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy đứng lên, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến 18-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội.

         Huế được xem là trung tâm chính trị của vùng đất Trung Kỳ; cùng với nhân dân Trung Kỳ và nhân dân cả nước, đồng bào Thừa Thiên Huế luôn có mặt trong trận tuyến đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhận rõ tầm quan trọng của Huế, Trung ương Đảng cùng Đảng bộ Thừa Thiên - Huế xúc tiến mọi việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Khi lệnh khởi nghĩa được ban ra (ngày 15-8-1945), tại các xã, huyện, thành phố khí thế cách mạng quần chúng nhân nhân sôi sục từ ngày 18 đến ngày 22-8-1945, nhân dân trong tỉnh từ nông thôn đến thành thị, từ miền biển đến miền núi đã nô nức xuống đường. Ngày 18-8-1945, các huyện Phong Điền, Phú Lộc khởi nghĩa thắng lợi, tiếp đó là huyện Hương Thủy (22-8), Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền… Ngày 20-8, Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập gồm các đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh làm Phó chủ tịch, Uỷ viên gồm các đồng chí Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn, Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh quyết định giành chính quyền vào ngày 23-8-1945. Tối ngày 21-8-1945, Hội Nghị cán bộ Đảng phổ biến kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các xã, huyện, thành phố và từng cán bộ trong việc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế vào ngày 23-8 theo như kế hoạch mà Uỷ ban kháng chiến đã đề ra.

       Tại thành phố Huế, trung tâm đầu não của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, ngày 22-8-1945, quần chúng nhân dân đã vùng lên biểu tình, chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và doanh trại lính bảo an. Trong tối 22-8, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh đã gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại phải thoái vị, trong đêm ngày hôm đó với sự trợ giúp của Hoàng thân Vĩnh Cẩn, Bảo Đại soạn Tuyên ngôn thoái vị. Vào lúc 16 giờ ngày 23-8-1945, hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế và các đội cứu quốc quân tiến về sân vận động Tự Do - Huế, dưới rừng cờ đỏ sao vàng và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”... Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân như triều dâng thác đổ không gì ngăn cản nổi, đã biến cuộc mit tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình nhà Nguyễn thành cuộc mit tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền của ta. Tại đây, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đọc diễn văn và tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân, đồng thời trân trọng giới thiệu ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, đồng thời kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.

         Ngày 30-8-1945, trước Quảng trường Ngọ Môn, nhân dân Thừa Thiên Huế đã chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại khi Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến đọc “Chiếu thoái vị” và trao ấn, kiếm - biểu tượng của vương quyền nhà Nguyễn cho đại diện của Chính phủ Lâm thời, chấm dứt sự cai trị hàng nghìn năm của chế độ phong kiến, thực dân. Mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập tự do và Chủ nghĩa xã hội.

         Khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân ở vùng đất Kinh đô xưa đã được đồng chí Tố Hữu, người trực tiếp chỉ đạo Tổng khởi nghĩa, người con xứ Huế thể hiện cô đọng, chân thực và đầy tự hào qua các câu thơ:

“Tháng Tám vùng lên Huế của ta

Quảng, Phong ơi! Hương Thủy, Hương Trà

Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế

Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”

         Tại Sài Gòn từ ngày 20-8-1945, cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện công khai, khí thế cách mạng của nhân dân sôi sục. Xứ ủy Nam kỳ quyết định khởi nghĩa Sài Gòn và các tỉnh vào ngày 25-8. Ngày 26-8, thị xã Hòn Gai, Sơn La, Châu Đốc, Biên Hoà, Cần Thơ được giải phóng. Tiếp đến các địa phương còn lại cũng được giải phóng trong 2 ngày 27 và 28-8. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần lễ cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn. Chế độ thuộc địa nữa phong kiến từng ngự trị trên đất nước ta bị lật nhào. Một vài nơi như thị xã Vĩnh Yên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Móng Cái, Hải Ninh do quân tưởng và bọn phản động chống lại nên chính quyền cách mạng chưa được thiết lập trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Cuộc đấu tranh giành chính quyền ở những nơi đó diễn ra gay go, phức tập, một thời gian sau mới giành được thắng lợi.

Ngày 25-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Uỷ ban dân tộc giải phóng từ Tân Trào về đến Hà Nội. Ngày 27-8, Uỷ ban dân tộc giải phóng triệu tập cuộc họp các thành viên trong Uỷ ban. Ngày 28-8-1945, danh sách các thành viên của Chính phủ được công bố trên các báo ở Hà Nội, gồm 15 người, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

        Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh đông đảo của gần một triệu đồng bào Thủ đô và các vùng lân cận tham dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bảng Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà độc lập (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Ngày 2-9-1945 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam kiên quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”.

           Cùng với cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945 mãi mãi đi vào lịch sử, là ngày độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp, ghi nhận chiến công của dân tộc Việt Nam, trở thành một dân tộc tiên phong trong sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Cũng từ đó, ngày 2-9 trở thành ngày Quốc khánh của nhân dân Việt Nam.

Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử

        Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nhanh gọn do nhiều nguyên nhân, trong đó có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng ta có phương pháp, chiến lược cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức đúng thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

         Tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của dân ta đã góp phần lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám. Quân và dân ta một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Trải qua suốt 15 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ, hiểm nguy, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ không hề tiếc máu xương, anh dũnghy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc.

        Cách mạng Tháng Tám được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.

       Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết dân tộc, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

       Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám còn có ý nghĩa to lớn trên phương diện quốc tế, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giai cấp bị bóc lột, áp bức ở các quốc gia, thuộc địa trên khắp thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc thực dân.

         Vào ngày 15-8-1945, giữa cao trào của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Nhật đầu hàng Đồng minh (Anh, Pháp, Mỹ). Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bắt đầu phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Nhiệm vụ vận động vua Bảo Đại thoái vị được giao cho Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe đảm trách. Ngày 17-8, Bảo Đại ban hành dụ số 105 chấp nhận bàn giao chính quyền cho Việt Minh, song vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách mời các các lãnh tụ Việt Minh về Huế thiết lập nội các mới. Chiều ngày 22-8-1945, Bảo Đại nhận được một bức điện tín từ Ủy ban Dân tộc Giải phóng với nội dung: “Trước ý chí đồng nhứt của toàn thể dân chúng Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu vãn nền dộc lập quốc gia, chúng tôi thành kính xin đức Hoàng đế hãy làm một cử chỉ lịch sử để từ bỏ ngai vàng”.Như vậy, trước cao trào của cuộc cách mạng, nhân dân đã chọn cho mình con đường đi theo cách mạng. Bảo Đại phải chọn cho mình con đường hòa hợp với chính số mệnh của toàn thể nhân dân. Nếu như tháng 3-1945, sự tồn vong của lịch sử đất nước đòi hỏi Bảo Đại ở ngôi thì tháng 8-1945, cũng vì sự tồn vong của đất nước, Bảo Đại phải đi theo nhân dân. Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn quyết định thoái vị, như nhân dân đã đòi hỏi. Là hoàng đế, Bảo Đại đã dấn thân cho nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc, cho nên không thể đi ngược lại con đường đã mở ra cho đất nước. Bảo Đại gửi điện tín cho Ủy ban Dân tộc Giải phóng, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi vì sự nghệp chung và yêu cầu người của Ủy ban sớm đến Huế để nhận bàn giao. Tối ngày 22-8-1945, đài phát thanh Huế vang lên lời tuyên bố thoái vị của nhà vua: “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cũng một lòng hy sinh như Trẫm”.

       Đêm ngày 22-8-1945, với sự trợ giúp của Hoàng thân Vĩnh Cẩn, Bảo Đại soạn Tuyên ngôn thoái vị. Ngày 25-8, Tuyên ngôn thoái vị của Bảo Đại được công bố và vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn sẽ làm lễ thoái vị vào ngày 30-8 ở Ngọ Môn - Huế, chính thức chấm dứt nhà Nguyễn và chế độ quân chủ ở Việt Nam.

      Sáng 27-8-1945, Phái đoàn Chính phủ lâm thời lên đường từ Hà Nội vào Huế tiếp nhận thoái vị của Bảo Đại. Phái đoàn do Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn cùng với hai đồng chí Cù Huy Cận và Nguyễn Lương Bằng. Trần Huy Liệu (1901-1969) bấy giờ là Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Nguyễn Lương Bằng (1904-1979) lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh, Thường trực Ủy ban Dân tộc Giải phóng. Cù Huy Cận (1919-2005, Hà Tĩnh) bấy giờ là Ủy viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng.

       Sáng ngày 29-8-1945, Phái đoàn tới Mỹ Chánh (phía Nam thị xã Quảng Trị), Tố Hữu - bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế ra đón. Gần trưa, đoàn tới sân vận động Chợ Cống (phía Đông kinh thành Huế) trước sự chào đón của khoảng 4 vạn đồng bào, Đổng lý văn phòng triều đình Huế Phạm Khắc Hòe chuyển lời Bảo Đại mời phái đoàn vào tiếp kiến. Bảo Đại bày tỏ sự sung sướng được tiếp Phái đoàn đại diện của Chính phủ Lâm thời, Trần Huy Liệu cũng bày tỏ vui mừng vì nhà Vua đã chấp nhận thoái vị. Bảo Đại đề nghị với phái đoàn ba nguyện vọng: “Một là xin Chính phủ cách mạng không phân biệt đối xử với mọi người trong Hoàng gia và quan lại trong triều; hai là xin Chính phủ tạo điều kiện cho cách quan lại trong triều được tham gia vào những công việc của đất nước tùy khả năng và hoàn cảnh của từng người; ba là xin Chính phủ đối xử với lăng tẩm, đền miếu của triều Nguyễn cho có sự thể”.

         Vào khoảng 16 giờ ngày 30-8-1945, lễ thoái vị của Bảo Đại được chính thức tổ chức ở Ngọ Môn trước sự có mặt của khoảng 5, 6 vạn đồng bào Huế. Đi cùng nhà Vua có Phạm Khắc Hòe và Hoàng thân Vĩnh Cẩn. Bảo Đại bận triều phục đại lễ, đọc lời tuyên bố thoái vị, lá cờ quẻ ly của triều đình trên đỉnh Ngọ Môn được hạ xuống, thay bằng lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng, Bảo Đại làm lễ trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ Lâm thời, chính thức trở thành một công dân bình thường của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

         Chiếc kim ấn truyền quốc Bảo Đại trao cho đại diện Chính phủ Lâm thời làm bằng vàng ròng, nặng gần 10kg, Trần Huy Liệu vốn sức yếu phải gồng lên mới cầm nổi. Quốc kiếm của nhà vua vỏ ngoài dát vàng nạm ngọc, Huy Cận thuận tay rút kiếm ra xem, ai dè bên trong lưỡi kiếm đã bị rỉ, Huy Cận hồn nhiên nói vào micro: “Thưa đồng bào, kiếm nhà Vua rỉ hết rồi!”, mọi người và Bảo Đại đáp lại bằng một trận cười giòn giã.

        Nền độc lập dân tộc từ tháng 8-1945 được Bảo Đại tuyên hô “Muôn năm!” trong lời cuối của Tuyên ngôn thoái vị khác hẳn với nền độc lập mà cũng chính ông đã tuyên cáo trong dụ ngày 11-3-1945 cùng với lời cam kết sẽ hợp tác toàn tâm toàn ý với Đế quốc Nhật Bản. Cuối cùng, Bảo Đại đã nhận ra nền độc lập thật sự khác hẳn với nền độc lập được Nhật “trao trả” trong bối cảnh Nhật đảo chính Pháp để giành quyền kiểm soát Đông Dương. Đây là một cố gắng cuối cùng của Nhật trước khi thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến với lực lượng Đồng minh.

Ý nghĩa của sự kiện Vua Bảo Đại thoái vị đối với Cách mạng Tháng Tám và lịch sử Việt Nam

        Sự kiện vua Bảo Đại thoái vị đã đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến tồn tại hơn 10 thế kỷ, đồng thời cũng gián tiếp công nhận tính hợp pháp của chính quyền dân chủ nhân dân. Với việc tuyên bố tự nguyện thoái vị, Bảo Đại buộc phải nhận ra và thuận theo sức mạnh không thể chống lại của nhân dân trong cuộc cách mạng mang ý chí của toàn dân tộc. Cuộc cách mạng của toàn dân đã thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng dân chủ của toàn dân. Bước ngoặt này đã làm nên sự khác biệt căn bản về bản chất của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc.

         Sự thoái vị của Bảo Đại cũng đã góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám bởi sự yên bình hiếm có khi quyền lực chính quyền chuyển về tay nhân dân. Trong công cuộc giải phóng dân tộc, chống ách phong kiến, cách mạng ở đâu nếu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối để mưu cầu nước nhà được độc lập. Sự kiện Bảo Đại thoái vị đã đặt dấu mốc hoàn thành mục tiêu của cuộc đấu tranh gian khổ suốt 87 năm (1858-1945) của dân tộc: “phản đế quốc, bài phong kiến, diệt phát xít”.

         Sau khi thoái vị, tháng 9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Vĩnh Thụy (Bảo Đại) làm cố vấn cho Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là một thành viên trong Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tháng 1-1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa dầu tiên. Không lâu sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Vĩnh Thụy thay mặt Chính phủ đi một chuyến qua Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ để giới thiệu chế độ mới, vận động họ công nhận nước Việt Nam độc lập.Ngày 16-3-1946, cố vấn Vĩnh Thụy ra nước ngoài, dù được Hồ Chủ tịch rất tin tưởng, song Vĩnh Thụy vốn là người nhu nhược, không vượt qua được sự túng thiếu về tài chính và các cạm bẫy của mật thám Pháp giăng ra nên ông đã bị Pháp mua chuộc, trở lại làm bù nhìn cho thực dân Pháp. Tuy nhiên, Vĩnh Thụy vẫn không giấu được những tình cảm tốt đẹp dành cho Bác Hồ và về kháng chiến.

        Sự kiện cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945 là những mốc son chói lọi mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, là ngày độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp, ghi nhận chiến công của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới, đồng thời chấm dứt chế độ phong kiến kéo dài hơn 10 thế kỷ trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

       Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công vĩ đại không phải là ngẫu nhiên mà đó chính là thành quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của các tầng lớp nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, khéo léo của Đảng. Hòa chung trong không khí cả đất nước ta long trọng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đây là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử và sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Dương Vĩnh Hậu
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối  

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác