LẤY MÁY BAY ĐỊCH ĐỂ ĐÁNH ĐỊCH GÓP PHẦN VÀO ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1975
Cập nhật:05/05/2021 4:02:57 CH

        A-37 là loại máy bay cường kích phản lực hạng nhẹ được mệnh danh là “Rồng chiến” do hãng Cessna chế tạo tại Hoa Kỳ vào năm 1960. Quân đội Mỹ không sử dụng A-37, mà chủ yếu được trang bị cho quân lực Việt Nam Cộng hoà. Tháng 8/1967, Hoa Kỳ đưa sang thử nghiệm tại chiến trường Việt Nam 25 chiếc A-37, với nhiệm vụ hỗ trợ bộ binh trong các chiến dịch, hỗ trợ máy bay trực thăng.

       A-37 được cấu tạo gồm hai động cơ với tổ bay chỉ có hai người. Hai bên cánh trang bị hai thùng xăng với dung tích 360lít/thùng, có 8 giá treo để treo bom napalm, đạn chùm, tên lửa đối không và rocket. Gần khoang mũi máy bay gắn cây súng máy miligun cỡ nòng 7,62 ly với băng đạn 1500 viên; tổng trọng lượng vũ khí được mang 1,2 tấn. Tổng trọng lượng 6.356kg; dài 8,94m; cao: 2,87m; sải cánh dài: 10,31m; có màu xanh lá, vàng nhạt và nâu, hệ thống camera để chụp từ trên xuống. Trong thời gian thử nghiệm không có chiếc nào bị bắn rơi. Loại máy bay này đã từng tham chiến tại chiến trường Trị - Thiên Huế, một trong những chiến trường quan trọng, khốc liệt nhất, đặc biệt là vụ oanh tạc Có một không hai” vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 do phi công Nguyễn Thành Trung chỉ huy.

      Phi công Nguyễn Thành Trung tên khai sinh là Đinh Khắc Chung, sinh ngày 9/10/1947, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cha ông là ông Đinh Văn Dậu (còn gọi là Tư Dậu), mẹ ông là bà Nguyễn Thị Mỹ. Ông là người con trai thứ 4 trong gia đình có 5 anh em, vì vậy còn có tên gọi trong gia đình là Năm Chung.

      Sau năm 1954, trừ người anh cả tập kết ra Bắc, cả gia đình ông đều ở lại miền Nam. Cha và người anh thứ hai đều hoạt động bí mật tại quê nhà. Riêng ông cùng người anh thứ ba và em gái út sống công khai với mẹ để tiếp tục đi học. Ngày 2/3/1963, cha ông (Phó Bí thư, giữ Quyền Bí thư Huyện ủy Châu Thành, Bến Tre) bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa giết chết, mẹ và em gái  bị bắt, nhà bị đốt. Vì vậy, ông phải đổi sang họ Nguyễn, với một lý lịch mới để lánh nạn. Năm 1965, Nguyễn Thành Trung được Ban Binh vận T2 (khu 8) đưa lên Sài Gòn tiếp tục học hết bậc phổ thông, rồi vào học khoa Toán - Lý - Hóa của Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học tự nhiên).

       Sau đó, ông được Ban Binh vận Trung ương cục Miền Nam chỉ đạo thi tuyển vào Không lực Việt Nam Cộng hòa. Ngay sau khi nhận giấy báo trúng tuyển, ngày 31/5/1969, Nguyễn Thành Trung được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Hơn một năm huấn luyện ở Nha Trang, vào năm 1970, Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo phi công ở các căn cứ Hoa Kỳ tại bang Texas, Louisiana và Mississippi. Ông học rất giỏi và được xếp thứ 2 trong tổng số 500 học viên của khóa. Đến năm 1972, Nguyễn Thành Trung về nước, đóng quân tại căn cứ không quân Biên Hòa, biên chế trực thuộc Sư đoàn 3 không quân, Phi đoàn 540 Thần Hổ.

     Khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân chủng: Cho không quân ta dùng máy bay vừa lấy được của địch ném bom vào sào huyệt quân Việt Nam Cộng hoà ở Sài Gòn trong hai ngày 27 hoặc 28/4, nếu chậm trễ sẽ không có thời cơ lập công. Tại Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi Tư lệnh Lê Văn Tri: “Hiện ta thu được bao nhiêu máy bay A-37 của địch có thể dùng được?”. Tư lệnh Lê Văn Tri báo cáo: “Thưa Đại tướng, tại Đà Nẵng có một chiếc, phi công đang học lái, còn sân bay Phù Cát, Bình Định có 5 chiếc còn nguyên vẹn, chưa cho bay thử”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Bộ Chính trị đã đồng ý cho không quân ném bom xuống sào huyệt địch nhưng phải sử dụng chính máy bay chiếm được của địch”.

      Tư lệnh Lê Văn Tri được Quân chủng giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, chỉ huy trận đánh. Nhưng cái khó ở đây là, phần lớn máy bay thu được của địch là máy bay A-37 còn khá xa lạ với phi công của ta vốn quen thuộc với loại máy bay MiG của Liên Xô. Ngày 22 /4/1975, phi công Nguyễn Thành Trung được điều ra sân bay Đà Nẵng để hướng dẫn các phi công miền Bắc lái máy bay A-37 do quân Giải phóng chiếm được và huấn luyện trong vòng gần một tuần.

      8g 30 phút, Tư lệnh Quân chủng trực tiếp quyết định lực lượng tham gia chiến đấu. Các đồng chí Trần Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Văn Xanh, Trần Văn On là những phi công được vinh dự lựa chọn nhận nhiệm vụ có tên trong biên đội mang danh hiệu “Phi đội Quyết Thắng”. 9 giờ 30 phút, năm chiếc máy bay A-37 của Phi đội Quyết thắng di chuyển từ sân bay Phù Cát vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Tại đây, mỗi máy bay được trang bị bốn quả bom 250 bảng Anh và bốn thùng dầu phụ. 14 giờ 30 phút, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ. Phi công Nguyễn Thành Trung bày tỏ: "Tôi thay mặt Phi đội Quyết thắng rất vinh dự được lãnh trách nhiệm của nhân dân giao phó, nhằm đóng góp vào chiến công chung. Tôi xin hứa quyết tâm đánh thật bất ngờ, đánh thắng và mang lại kết quả nhiều nhất".                    Chiều 28/4/1975, với năm chiếc máy bay A-37  thu được của địch, chỉ sau năm ngày chuẩn bị, Phi đội Quyết thắng đã làm nên trận đánh có một không hai trong lịch sử: Bay thẳng vào sào huyệt địch, ném bom phá hủy hàng chục máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm quân Việt Nam Cộng hoà, làm tê liệt hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất. Trong trận tập kích bất ngờ ấy, Phi đội Quyết thắng được ví như Mũi tiến công thứ 6” đầy uy lực. Mũi tiến công này đã vinh dự góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho 5 cánh quân tiến vào giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

        Nhiều nhà báo nước ngoài thắc mắc vì sao ông (phi công Nguyễn Thành Trung) có thể huấn luyện được đội bay chỉ trong 4 ngày rưỡi loại máy bay chiến đấu A-37, trong khi nếu thực hiện đúng bài bản thì phải mất 3 tháng huấn luyện đối với một phi công? Nếu chúng tôi làm đúng quy trình như người Mỹ thì phải mất gần một năm mới huấn luyện xong và như vậy thì không thể đánh trận này. Chúng tôi có cách làm của thời chiến và trước khi vào trận, chúng tôi xác định 8 phần chết, 2 phần sống nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm được chết cho trận đánh này, đó là câu trả lời của phi công Nguyễn Thành Trung về trận đánh của ông và phi đội Quyết Thắng ngày 28/4/1975.

       Trung tướng Lê Văn Tri, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định: Có thể nói rằng trong lịch sử của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam, Trận đánh ngày 28/4/1975 của Phi đội Quyết Thắng là một trong những trang sử hào hùng”.

       Sau gần 40 năm được cất giữ tại Nhà máy A42 (sân bay Biên Hòa - Đồng Nai), sáng 7/1/2012, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế (nay Sở Văn hoá và Thể thao) tổ chức lễ tiếp nhận và đưa vào trưng bày hiện vật máy bay A- 37 do Bộ Quốc phòng chuyển giao, nhằm phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế. Có thể nói, máy bay A - 37 nói riêng, bộ sưu tập vũ khí, phương tiện chiến tranh như pháo, xe tăng, máy bay là minh chứng sống động cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, dám đánh và dám thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, đang được trao truyền cho từ thế hệ này qua thế hệ khác.

 

Lê Thị Mai An
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối  

Tài trợ - Hợp tác

Tham quan

Thời gian mở cửa
Thứ ba - Chủ nhật:
- Sáng 7:30 - 11-00
- Chiều: 13h30 - 17h

Hợp tác